Vừa qua, các cầu thủ nữ thuộc đội bóng ném bãi biển Na-Uy đã nhận án phạt vì mặc quần sooc ngắn thay vì đồng phục dạng bikini thông thường. Liên đoàn bóng ném châu Âu đã đưa ra mức phạt là 150 euro cho mỗi nữ cầu thủ (tương đương 4 triệu VNĐ). Mức phạt này không đơn giản là một con số, mà còn chỉ ra rằng tình dục hóa thể thao là vấn đề kinh niên, và các vận động viên nữ là nhóm nạn nhân nhẵn mặt.
Lịch sử chứng kiến hàng loạt những ngôi sao nữ gặt hái được những thành tích ấn tượng không kém cánh mày râu trong thể thao, nơi vốn được xem là lãnh địa của giới đàn ông từ trước, đơn cử như Serena Williams (nữ vợt thủ từng là nhà vô địch thế giới), Inge de Bruijn (4 lần vô địch tại Olympic môn bơi lội), Naomi Osaka (nhà vô địch trẻ môn quần vợt). Tuy nhiên, trong một bức tranh rộng hơn, các vận động viên nữ vẫn đang bị tình dục hóa. Mức độ nổi tiếng của các vận động viên nữ sẽ đi cùng với sự phô bày hình thể, độ xinh đẹp, phong cách thời trang. Vì vậy, họ thường xuất hiện gợi cảm trên tờ bìa tạp chí, được giới truyền thông dò hỏi về đời sống cá nhân. Chuyện thi đấu trong trang phục hở hang vì một lý do nào đó đã được các ông lớn thể thao “bình thường hóa”. Và câu hỏi đặt ra là, lý do nào đằng sau sự “bình thường hóa” bất thường đó? Và tại sao, tiêu chí tối quan trọng của thể thao không phải là tranh tài dựa trên kỹ năng, nỗ lực, mà lại liên quan đến “phô bày hình thể”?
Tất cả là vì phụ nữ
Ngoài chức năng bảo vệ, một bộ trang phục tốt sẽ giúp vận động viên di chuyển linh hoạt, tạo ra điều kiện thi đấu tốt nhất có thể. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả khi nói về trang phục của các vận động viên nữ. Trước năm 2012, các đội bóng chuyền bãi biển nữ buộc phải mặc bikini khi thi đấu. Thậm chí, khi hội đồng Olympic đã chuyển sang quần áo ngắn, chúng vẫn trông bó sát và quá nhỏ so với các nữ vận động viên. Lý do giải thích cho điều này chính là, sử dụng quần áo dạng bikini hoặc trang phục bó sát cơ thể sẽ giúp các vận động viên nữ chuyển động linh hoạt hơn và tăng sự hào hứng cho khán giả, khi trận đấu trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, Liên đoàn cầu lông quốc tế lại tuyên bố váy ngắn sẽ là trang phục bắt buộc của các nữ vận động viên trong kỳ Olympic 2012 tại London. Hội đồng cho rằng, vận động viên nữ thì phải trông “thật nữ tính” và trong trường hợp này, chiếc váy ngắn sẽ làm đúng nhiệm vụ của nó. Và vào năm 2004, Sepp Blatter, lúc đó đang là chủ tịch Fifa, đã gây náo loạn các trang tin tức với phát ngôn gây tranh cãi: “Hãy để đội bóng bá nữ mặc đồng phục nữ tính hơn, như các đội bóng chuyền bây giờ. Họ là những cô gái xinh đẹp, và cũng được đá quả bóng nhẹ hơn so với cầu thủ nam. Cái luật thi đấu đó ra đời chẳng phải là vì tính nữ hay sao, và nếu là thế thì tại sao ta không mang tính nữ vào trong đồng phục thi đấu?”.
Cả 3 sự kiện trên đã cùng nói lên một điều: đối với trang phục của các nữ vận động viên, tính nữ là một tiêu chuẩn quan trọng. Bộ trang phục ấy tốt nếu nó phô bày được cơ thể, và bằng cách này hay cách khác, nó cũng có chút ít liên quan đến “sự chuyển động linh hoạt”. Biết rằng nữ quyền không có nghĩa là từ chối tính nữ, và là một nữ vận động viên không có nghĩa là đem tính nữ bỏ xó. Nhưng tính nữ không đồng nghĩa phải mặc những bộ đồng phục hở hang, thế mà một số ông lớn vẫn “mắt nhắm mắt mở” làm cho 2 khái niệm trên “liên quan” một cách gượng ép. Thậm chí, họ ngang nhiên bảo rằng: “Chúng tôi làm tất cả những điều đó là vì phụ nữ.”
Đánh đổi cảm giác an toàn
Đối với một số vận động viên nữ, việc phô bày cơ thể là rất khó khăn. Cái “tính nữ’ mà Sepp Blatter đề cập tới buộc họ phải đánh đổi sự thoải mái của mình. Sarah Voss, vận động viên thể dục dụng cụ thuộc đoàn thể thao Đức đã nói với BBC rằng: “Lúc uốn người hoặc nhảy lên, quần áo nịt không che đậy hết. Một khi không thể thoải mái và an tâm lúc thi đấu, sẽ rất khó để các vận động viên thể hiện hết mình. Rõ ràng, các vận động viên nữ sẽ trút bỏ được gánh nặng nếu không phải lo lắng chuyện mọi người thấy gì hay không thấy gì trên cơ thể”. Theo chia sẻ của Sarah Voss, đã có rất nhiều cô gái từ bỏ thể dục dụng cụ vì họ không muốn phải mặc quần áo nịt khi thi đấu. “Một bộ trang phục an toàn hơn sẽ giúp nhiều người ở lại bộ môn họ yêu thích, và trong lúc thi đấu, họ sẽ chẳng phải nghĩ gì ngoài chuyện thi đấu hết mình”, Sarah Voss nói thêm.
Trong Tokyo Olympic 1964, sau khi ngọn đuốc được thắp sáng trên bầu trời Tokyo, một vận động viên tuyên bố rằng: “Tôi hứa sẽ tham gia kỳ thế vận hội với một tinh thần thể thao chân chính”. 57 năm sau, trước tin đội bóng ném nữ bị phạt vì họ mặc quần sooc ngắn thay vì bikini, một câu hỏi được đặt ra rằng liệu cái “tinh thần thể thao chân chính” kia có thực sự tồn tại trong nhóm vận động viên nữ? Liệu có sự “chân chính” nào trên thế giới, mà ở đó người ta không có quyền quyết định sẽ được và không được mặc cái gì?
Hòa chung với các phong trào nữ quyền rộ lên những năm gần đây, các vận động viên nữ cũng đang cất lên tiếng nói về quyền phụ nữ trong thể thao. Tại giải vô địch châu Âu diễn ra vào ngày 28/4 vừa qua, Sarah Voss đã thi đấu trong bộ trang phục che toàn thân. Sau buổi thi đấu, cô nói rằng mình muốn trở thành “tấm gương mẫu cho các vận động viên thể dục dụng cụ trẻ, những người vốn đang lo lắng vì trang phục”. Ở cùng bộ môn thi đấu, vận động viên trẻ Daunusia Francis cũng đã nói rằng, bộ trang phục đó đã trả lại quyền lựa chọn cho vận động viên, và mở thêm một cánh cửa cho phụ nữ bước vào địa hạt thể thao.
Và mới đây, tại kỳ thế vận hội đang diễn ra tại Tokyo, đội thể dục dụng cụ nữ thuộc đoàn thể thao Đức cũng mặc đồng phục che toàn thân thay vì kiểu bikini-cut như thường lệ. Liên đoàn thể dục dụng cụ nước này cho rằng, đây chính là một phản ứng lại đối với vấn đề tình dục hóa thể thao: “Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng, phụ nữ hay bất kỳ ai cũng có quyền quyết định phải mặc gì”.
The post Trang phục thi đấu dành cho các nữ vận động viên: Bao giờ mới hết “bình thường hóa” bất thường? appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond