Ngập tràn những tình tiết kinh dị, gây cấn và hồi hộp, cho đến những khoảnh khắc khiến người xem nhói lòng, day dứt về hiện thực cuộc sống là những điểm cộng tạo nên sức hút cho siêu phẩm phim sinh tồn của xứ sở kim chi – “Squid Game” (Trò chơi con mực).
Gần 1 thập kỷ để chuẩn bị cho “đứa con tinh thần” chào đời, biên kịch kiêm đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã xây dựng phim dựa trên một ý tưởng mới mẻ, sử dụng các trò chơi dân gian của trẻ em Hàn Quốc để tạo nên một cuộc chiến sinh tử đẫm máu và khốc liệt. “Squid Game” xoay quanh nhân vật chính Seong Gi Hun (Lee Jung Jae), gã đàn ông thất bại, không nghề nghiệp, không địa vị xã hội, gia đình tan vỡ, như một cái bóng bên lề của xã hội. Sự thất bại khiến anh sa vào con đường cờ bạc, Gi Hun bế tắc với một khoản nợ khổng lồ mà bản thân anh dẫu có chết đi cũng không thể thoát khỏi được nợ nần.
Tuyệt vọng với thực tại, Gi Hun vô tình gặp một người đàn ông xa lạ mời anh tham gia trò chơi đơn giản nhưng đổi lại một khoản tiền rất lớn. Cùng với Gi Hun, người bạn cùng xóm với anh Cho Sang Woo (Park Hae Soo) cũng bí mật tham gia với mong muốn thoát khỏi một khoảng nợ khổng lồ đến mức có thể đi tù. Thế nhưng, những người chơi không hề biết mình đang bước vào một trò chơi đánh cược bằng mạng sống.
Biên kịch Hwang Dong Hyuk đã rất thành công trong việc xây dựng trạng thái tâm lý của các nhân vật ở tập đầu tiên. Từ 456 người chơi, số người tham gia bị giết còn hơn một nửa sau trò chơi đầu tiên. Không một ai biết khái niệm “người chơi bị loại” cũng đồng nghĩa là cái chết. Những người may mắn sống sót cảm thấy kinh hãi và quyết định bình chọn theo số đông để dừng lại cuộc chơi. Thế nhưng khi quay về cuộc sống thường nhật, hiện thực cuộc sống khắc nghiệt với những khoản nợ chồng chất khiến họ đối mặt với cảm giác sống không bằng chết. Cụ thể, vì để có tiền chữa bệnh cho mẹ, Gi Hun quyết định tái tham gia cuộc chơi; còn Sang Woo vốn đã định tự tử cũng lấy hết can đảm quay trở lại.
Có thể thấy, quyết định chơi hay không là lựa chọn của người chơi. Tác phẩm khắc họa hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, những lựa chọn sai lầm không thể quay đầu, những cuộc đời không tìm thấy mục đích sống… mới khiến con người phải tuyệt vọng đến mức “làm mọi thứ vì tiền”. Và xét theo một khía cạnh nào đó, ít ra thì họ vẫn vùng vẫy cố gắng tìm kiếm một cơ may để đổi đời. Chỉ là họ không thể nào đoán được mục đích của những người tổ chức là gì và đã thông minh như thế nào trong cách thao túng lòng tham của người chơi, khiến họ giết chóc lẫn nhau để có được 45.6 tỷ won.
Nhắc đến “Squid Game”, người xem nhớ đến “Alice in Borderland” – một series của Nhật với thể loại sinh tồn ra mắt vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu những người chơi trong “Alice in Borderland” là vô tình bị kẹt trong một tình huống nguy hiểm và buộc phải chiến đấu, thì người chơi ở “Squid Game” đến với đấu trường một cách tự nguyện, để từ đó bộc lộ hết sự phức tạp trong nhân cách con người. Lý do chúng ta không thấy phim được xây dựng với bối cảnh hoành tráng, hay các trò chơi đòi hỏi trí tuệ như các bộ phim nổi tiếng khác cùng thể loại, là bởi vì nó được xây dựng trên một xã hội thật và người chơi hầu hết đều là những người bình thường (nếu không phải nói là dưới đáy xã hội).
Không chỉ dừng lại ở một thước phim giải trí, bộ phim còn là câu chuyện lột tả trần trụi về bản năng của con người. Khi đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, người ta sẽ tự tìm cách cứu lấy bản thân, bất kể phải hy sinh người thân thuộc hay ân nhân của mình. Bởi mấu chốt trong hệ thống trò chơi của “Squid Game” không phải là để sống sót, mà là trở thành người chiến thắng cuối cùng sở hữu số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn, sự thương cảm của con người cũng được đan xen vào câu chuyện để xoa dịu yếu tố kinh dị, man rợ của thể loại phim sinh tồn. Đây cũng là thế mạnh từ trước đến giờ của phim Hàn. Chính vì thế nên ở một số tập, tình tiết phim được kéo dãn ra khiến mạch phim bị chậm lại.
Sau cùng, Gi Hun, người chơi thứ 456 đã hoàn thành mục tiêu của 455 người còn lại, ra về với số tiền thưởng khổng lồ. Nhưng trớ trêu thay, anh không thể chạm tới số tiền này, 45.6 tỷ won “tiền máu”. Dẫu là một cá nhân thất bại, không có tương lai trong xã hội nhưng anh vẫn là đại diện của tiếng nói lương tâm, lòng trắc ẩn, một thông điệp mà đạo diễn Hwang Dong Hyuk muốn gửi gắm.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn phán ánh thủ đoạn phạm pháp ngày càng tinh vi, lên án hành vi mua bán nội tạng trái phép, sự hời hợt của những người thi hành luật, phân biệt sắc tộc, thú vui tiêu khiển bại hoại của những kẻ giàu sang, dùng tiền để mua vui trên mạng sống của người khác. “Squid Game” còn có sự tham gia của dàn diễn viên thực lực Jung Ho Yeon (vai Kang Sae Byeok), Heo Sung Tae (vai Jang Deok Soo), Wi Ha Joon (vai Hwang Jun Ho)… cùng diễn xuất đặc biệt của hai mỹ nam Gong Yoo và Lee Byung Hun đã mang đến những thước phim cực kỳ hấp dẫn và thu hút người xem trong những ngày qua.
The post “Squid Game”: Chẳng còn gì để mất! appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét