Liên tục được gọi tên trong các dự đoán của giới mộ điệu khi mùa Oscar đang kề cận, “Marriage Story” (tựa Việt: “Câu chuyện hôn nhân”) của đạo diễn/biên kịch Noah Baumbach đã trở thành một trong những dự án phim đáng nhớ nhất trong năm 2019, đóng lại một thập kỷ điện ảnh bằng câu chuyện của sự kết thúc.
Hầu hết mọi cuộc hôn nhân hiện đại đều khởi đầu bằng câu chuyện hai người. Dần dà, cuốn vào cuộc đời chung là những mối liên kết mới – con cái, cha mẹ hai bên, trách nhiệm, công việc, cho đến những giấc mơ, kỳ vọng, hay thất vọng không thể tránh khỏi – và thường không được nói thành lời – dành cho đối phương. Cứ như thế, nếu câu chuyện hôn nhân bắt đầu với tình yêu của hai con người và nhuốm màu lãng mạn, nó lại thường kết thúc trong vô vàn những mối trăn trở, rối ren nằm ngoài tình yêu, đưa cả hai về hiện thực khô khốc của luật pháp, giấy tờ, thậm chí tranh chấp.
Đây có lẽ cũng là những gì đã xảy ra với đạo diễn Noah Baumbach và nữ diễn viên Jennifer Jason Leigh khi cuộc hôn nhân của họ đi đến hồi kết vào năm 2013. Nổi tiếng là người thường xuyên mang chất liệu cá nhân vào kịch bản của mình, Noah Baumbach nhìn về những trải nghiệm trong quá khứ dưới góc nhìn hài hước hóa các bi kịch đời sống của tầng lớp ưu tú hiện đại. Trước “Marriage Story”, anh đã từng viết về cùng một chủ đề trong “The Squid and the Whale” (2005) – bộ phim dựa trên những trải nghiệm tuổi thơ của vị đạo diễn khi đi qua cuộc ly hôn của cha mẹ và mang về cho anh ba đề cử Quả Cầu Vàng cùng một đề cử Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Lần này, Noah Baumbach một lần nữa lột tả chương cuối cùng của hôn nhân với cùng một giọng điệu thản nhiên đến trớ trêu, một yếu tố khiến kịch bản của anh vượt ra khỏi những phương thức thường thấy ở dòng phim cùng đề tài.
Sự tương phản giữa nỗi niềm của người trong cuộc và dòng chảy dửng dưng của thực tế
“Marriage Story” xoay quanh những xung đột cảm xúc giữa Charlie (Adam Driver) và Nicole (Scarlett Johansson) trong cuộc chiến giành quyền nuôi cậu con trai nhỏ Henry (Azhy Robertson) đang ở độ tuổi non nớt nhất. Hai thành phố New York với những cung đường kịch nghệ Broadway, và Los Angeles nơi Hollywood hào nhoáng tọa lạc, trở thành bối cảnh chính và là một phần nguyên nhân cho sự chia rẽ của mối quan hệ giữa hai người nghệ sĩ đã không còn chung ước vọng nghệ thuật. Trái ngược với tựa đề, bộ phim chỉ thật sự bắt đầu sau khi cuộc hôn nhân giữa Nicole và Charlie đã được định đoạt sẽ kết thúc.
Phân cảnh mở đầu phim đưa người xem vào giữa những khoảnh khắc hôn nhân hạnh phúc của cặp đôi, với Charlie và Nicole lần lượt chiêm nghiệm về những điều bản thân trân trọng ở đối phương, những khía cạnh đáng mến và đáng nể đã dựng xây lên nền tảng hôn nhân của họ ngay từ đầu. Trong mắt anh, cô là người hiếm hoi có khả năng lắng nghe thật sự, một cựu diễn viên màn bạc đã bỏ sau lưng những cơ hội ở Hollywood để chấp nhận xây dựng gia đình ba người hạnh phúc cùng anh. Với cô, anh là một đạo diễn sân khấu kịch tài ba với bộ óc sáng tạo xuất sắc, một người con của New York thực thụ luôn biết bản thân nên làm gì và không chấp nhận khuất phục. Thế nhưng, người xem nhanh chóng biết được rằng đây chỉ là những ghi chép tích cực mà họ được yêu cầu viết ra để hoàn thành quy trình trị liệu ly hôn. Ký ức của họ ấm áp và tràn ngập yêu thương, nhưng lại chỉ chiếm nửa phần sự thật.
Mặc cho sự tôn trọng lẫn trân trọng dành cho nhau vẫn còn đó, phần còn lại của bộ phim vẫn là hành trình đâm đơn và bóc mẽ nhau đầy căng thẳng giữa không chỉ hai nhân vật chính mà còn giữa những lý lẽ luật pháp mà luật sư hai bên đưa ra để bảo vệ thân chủ. Lúc này, lý do đổ vỡ dần được hé lộ qua những lần đối thoại trật nhịp giữa hai con người đã từng thấu hiểu nhau. Charlie, những tưởng cả hai sẽ dàn xếp ly hôn mà không cần ra tòa, nhận ra thực tế phũ phàng rằng điều anh nghĩ và điều Nicole thật sự cảm thấy đã từ lâu không còn đồng điệu. Nicole, tự mô tả bản thân là người dễ nản lòng và không đủ tự tin để theo đuổi điều gì đến cùng, đã chọn sự lạnh lùng của pháp luật để chiến đấu không khoan nhượng cho tình thương con.
Trong suốt hành trình mệt mỏi này, những vấn đề cốt lõi mà cả hai chưa từng ngồi lại với nhau để nhìn nhận đều được lôi ra ánh sáng như một thứ kẽ hở hoàn hảo mà luật sư từ hai phía dùng để bôi nhọ và “đặt tên” cho bên còn lại. Tại tòa, họ được phác thảo là những kẻ vô trách nhiệm, những người quá yêu bản thân, là người vợ vô lý và cảm tính, hay người chồng ích kỷ và vô tâm. Và hơn hết, cả hai đều “không đủ điều kiện” để nuôi con, theo bảng tội trạng mà luật sư của người kia vẽ ra để hạ bệ đối thủ. Những lần “tâm sự mỏng” giữa hai nhân vật và luật sư của họ được hệ thống hóa để biến thành mũi dùi chỉa về người mà họ đã từng và vẫn hết mực yêu thương. Để rồi chỉ người trong cuộc là người tổn thương nhất nhưng vẫn phải gắng gượng để chiến thắng.
Cả hai đau lòng đi qua từng công đoạn của cuộc ly hôn, từ việc hồi tưởng về những hạnh phúc trong quá khứ, phải đấu tố nhau tại tòa, cho đến việc phân chia phần trăm giờ giấc trông con. Vẫn còn yêu thương nhau khiến mọi thứ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng trên bề mặt, họ vẫn là những kẻ đang-tranh-chấp, và cả hai vẫn phải tiếp tục làm việc, để mặc bản thân bị cuốn xiết theo dòng chảy thực tế. Sau chót, phần thắng đã nghiêng về người uôn chấp nhận chịu thua, còn kẻ đã quen chiến thắng giờ đây phải học cách điều chỉnh mình và tập sống với những cơ hội hậu thất bại.
Hơn cả một câu chuyện buồn về nỗi đau đổ vỡ
Với lối kể chuyện thông minh, “Marriage Story” mang nhiều màu sắc châm biếm trong cách câu chuyện lột tả nỗi đau đổ vỡ. Hơn cả một bài hát buồn về sự mất mát, bộ phim xoáy vào những trái khuấy và vô nghĩa của hệ thống luật pháp hôn nhân khi vừa bào mòn con người, vừa đòi hỏi ở những kẻ đau khổ ấy cái giá cắt cổ cả về tiền bạc, công việc, thời gian, lẫn các mối quan hệ.
Đạo diễn Noah Baumbach thổi vào sự mất mát chút âm hưởng hài hước qua các phân cảnh khiến người xem phải chột dạ khi cười, đặc biệt ở những khúc phim cho thấy sự vụng về của Charlie khi anh ra sức chắp vá một cuộc sống nửa chừng tại Los Angeles để chứng minh quyền nuôi con. Người đàn ông tài giỏi ở đầu phim hiện lên như một bức tường sừng sững luôn giành vinh quang về phần mình trong mọi thứ ngày càng gục ngã dần theo mạch dẫn dắt của câu chuyện. Phát họa chân dung một Charlie đầy tự hào trở thành thương tổn sau 2 tiếng, Adam Driver liên tục mang đến cho người xem những phân đoạn diễn xuất ấn tượng bậc nhất năm 2019 mà không có bất cứ người yêu phim ảnh nào muốn bỏ lỡ.
Thể hiện Nicole rời bỏ bức tường rào và vượt ra khỏi những ranh giới tự đề ra của bản thân là Scarlett Johansson trong một vai diễn được đánh giá là xuất sắc nhất trong sự nghiệp của cô. Laura Dern trong vai luật sư Nora Fanshaw luôn đứng về quyền lợi phụ nữ trong mọi cuộc ly hôn cũng là cái tên nhận được nhiều phiếu dự đoán Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Những người phụ nữ của “Marriage Story” mang đến những thông điệp tích cực và mạnh mẽ về giới, lật đổ những định kiến hằn sâu dù ở Tây hay Ta về nghĩa vụ của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, sự thể hiện của Alan Alda trong vai luật sư Bert, nhân vật dễ dàng chiếm được tình cảm của người xem với những lời khuyên chân thành và rất “người”, cùng với ngôi sao của “Goodfellas” – Ray Liotta trong vai luật sư Jay tính toán và lạnh lùng, đã mang đến cho người xem những màn tung hứng thú vị cùng những đoạn đối thoại không thừa dù chỉ một ý tứ.
Có thể nói, “Marriage Story” là một trải nghiệm điện ảnh dịu dàng mà âm ỉ, tối giản mà hiệu quả – một quả bom nổ chậm đóng lại năm 2019 đầy màu sắc của điện ảnh thế giới. Bộ phim được phát hành bởi Netflix này hứa hẹn sẽ là một ứng viên nặng ký tại mùa giải Oscar 2020 sắp tới.
The post “Marriage Story”: Hiện thực khô khốc của hôn nhân trật nhịp appeared first on Tạp chí Đẹp.
Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét