Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Ngược dòng thời gian về với thời trang thập niên đầu thế kỷ 21

Dường như có một quy luật tất yếu mà ai cũng phải chấp nhận, rằng thời trang luôn xoay vòng sau 20 năm. Sau khi làn sóng 90s quay lại mạnh mẽ trên cả sàn diễn lẫn đường phố những năm gần đây, thời trang của thập niên đầu thiên niên kỷ được dự đoán sẽ trở lại thống trị trong những năm sắp tới.

Show Xuân Hè 2008 của Chanel tái hiện lại khung cảnh căn nhà 31 trên đường Cambon ở Paris

Thời trang thập niên 2000 tuy vẫn là sự tiếp nối từ những thập niên trước, nhưng lại rất đặc trưng bởi sự kết hợp những nền văn hóa được du nhập vào đại chúng. Sự phát triển của công nghệ tác động đặc biệt đến đời sống, bao gồm cả thời trang. Loạt phim “The Matrix” và những ngôi sao âm nhạc như Britney Spears, *NSYNC đã tạo nên trào lưu trang phục màu sắc rực rỡ may bằng các chất liệu bắt sáng như satin, da bóng, ánh kim, cao su latex… Dạm ngõ thiên niên kỷ mới, ai ai cũng muốn trở thành một phần của tương lai, phong cách viễn tưởng Y2K này kéo dài đến tận giữa thập niên 2000 mới bắt đầu thoái trào.

Sự thoải mái cũng lên ngôi và biến thành tuyên ngôn của thời thượng. Tủ quần áo thập niên 2000 không thể thiếu bộ đồ thể thao – nếu là Juicy Couture hay Von Dutch thì lại càng hợp mốt, áo crop top, hoodies và denim. Denim trở thành một phần không thể tách rời của thời trang kể từ thập niên này, khi không chỉ những thương hiệu truyền thống như Levi’s hay Calvin Klein mà ngay cả các nhà mốt xa xỉ cũng lao vào cuộc chơi. Từ một món đồ bình thường nhất, quần jean trở thành tuyên ngôn thời trang và điểm nhấn cho cả bộ trang phục. Sự bình dị bỗng trở nên thật “cool” khi liên tục được lăng xê bởi các It Girl Hollywood lúc bấy giờ.

Von Dutch là thương hiệu được người nổi tiếng tích cực lăng xê

It Bag là những chiếc túi xách hàng hiệu được săn đón. Chúng mang lại điểm nhấn tinh tế và xa xỉ cần thiết cho những set đồ có phần xuề xòa đặc trưng của thập niên. Cuối những năm 90, Baguette của Fendi đã khai sinh ra một trào lưu bởi sự đa năng và tiện dụng, dễ kết hợp với nhiều phong cách. Đầu thập niên 2000, It Bag trở thành cơn sốt thực thụ với hiệu ứng cộng hưởng từ truyền thông. Vogue chính thức viết về khái niệm này trong số tháng 2/2003. Cơn sốt logo “logomania” trứ danh của thập niên 2000 càng “tiếp tay” cho những chiếc It Bag, biến Louis Vuitton trở thành thương hiệu túi xách đặc trưng cho thập niên này.

Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sáng tạo Marc Jacobs, Louis Vuitton liên tục cộng tác cùng những tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật, mà nổi bật nhất là Takashi Murakami. Thiên tài người Nhật sáng tạo nên mẫu monogram multicolor nhiều màu hay kết hợp với hoa văn hoa anh đào, quả cherry đặc trưng. Ngay lập tức trở thành kinh điển, các thiết kế này vẫn còn được săn đón bởi các tín đồ thời trang sành sỏi cho đến tận ngày nay.

Chiếc túi Saddle của Dior trong show Xuân Hè 2004 dưới thời NTK John Galliano

Dior ra mắt mẫu Saddle Bag của mình vào năm 2003. Chiếc túi lạ mắt hình yên ngựa ngay lập tức tạo nên cơn sốt với phiên bản da, satin in logo và họa tiết của mùa, đi tắt đón đầu với những chiếc túi size XXS. Thiết kế này nổi tiếng đến mức khi được giới thiệu lại vào những năm gần đây, nó còn nhận được sự săn đón nồng nhiệt hơn nhiều so với lần đầu ra mắt.
Tuy nhiên, những “kẻ nổi loạn” vẫn có thể làm nên chuyện lớn. Năm 2001, Giám đốc Sáng tạo Nicolas Ghesquière của Balenciaga đưa ra ý tưởng về một thiết kế túi xách hoàn toàn khác biệt so với những thiết kế đương thời: chi tiết trang trí thô và cứng, chất liệu da mềm và không hề có logo, tương phản hoàn toàn với những quan điểm đương thời về một chiếc túi xách xa xỉ.
Bị từ chối bởi các cấp quản lý nhưng Ghesquière đã thuyết phục để có thể sản xuất thử 25 chiếc làm mẫu. Thiết kế của ông sau đó được yêu mến bởi những tên tuổi nổi tiếng nhất thời bấy giờ như siêu mẫu Kate Moss, Tổng biên tập Vogue Paris Carine Roitfeld và người kế nhiệm Emmanuelle Alt, stylist Marie-Amélie Sauvé. Ngay lập tức nó trở thành hiện tượng và vẫn còn được yêu mến cho đến gần 2 thập kỷ sau. Mang tên “Moto”, chiếc túi này có thể biến bất cứ cô gái nào trở thành một cô gái nhà Balenciaga trong tức khắc.

BST Thu Đông 2001 của Balenciaga dưới sự chỉ đạo của NTK Nicolas Ghesquière

Không khí nồng nhiệt và đầy hào hứng của xã hội cũng lan tỏa đến các sàn diễn thời trang. Sau giai đoạn cuối thập niên 90 với phong cách tối giản đặc trưng, sự trào phúng trở lại toàn diện trên các sàn diễn. Các show diễn thời trang trở thành những sự kiện thực thụ. Dior của John Galliano mùa nào cũng có những câu chuyện rất khác biệt, với sân khấu được dàn dựng hoành tráng. Những show diễn từ thương hiệu riêng của ông cũng đặc sắc không kém, mỗi bộ trang phục được phối lên hàng trăm món phụ kiện một cách đầy thuyết phục và cuốn hút.

Chanel ra mắt bộ sưu tập Resort đầu tiên của mình vào cuối năm 2005 trên những chuyến xe buýt của Paris. Từ một bộ sưu tập dành riêng cho giới nhà giàu đi tránh cái lạnh mùa đông, Resort trở thành bộ sưu tập quan trọng nhất của các nhà mốt, với thời gian bán dài nhất và những thiết kế mang tính thương mại cao nhất. Khi các nhà mốt khác ra mắt thêm bộ sưu tập Pre-Fall (Chớm Thu), Chanel lại tận dụng cơ hội đó để giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập Métiers d’Arts nhằm tôn vinh các nhà nghề thủ công của mình. Luôn tổ chức ở các địa danh nổi tiếng, không khó hiểu khi Resort & Pre-Fall trở thành những show diễn được mong chờ nhất trên lịch diễn thời trang ngày một dày đặc.

Một trong những thiết kế từ BST cuối cùng của NTK Alexander McQueen
Alexander McQueen chào khán giả trong show diễn Xuân Hè 2010
NTK Christian Lacroix đóng cửa thương hiệu couture mang tên mình vào năm 2009

Những cái tên mới đã làm nên cuộc cách mạng cho thập niên này. Năm 2005, Riccardo Tisci trở thành giám đốc sáng tạo của Givenchy, thổi làn gió street style mới mẻ và hấp dẫn vào nhà mốt couture lâu đời. Tại Gucci, Frida Giannini mang lại một ngôn ngữ mới nữ tính và mềm mại hơn cho nhà mốt này sau sự ra đi của Tom Ford. Tiếp tục câu chuyện của người sáng lập tại YSL, Stefano Pilati truyền tải hình ảnh người phụ nữ đầy gợi cảm và quyền lực. Và không thể không kể đến Alexander McQueen với những show diễn tối tăm, luôn bứt phá mọi giới hạn chuẩn mực về vẻ đẹp và quan điểm xã hội.

Thập niên 2000 cũng chứng kiến nhiều màn chia tay đầy tiếc nuối. Rời khỏi thời trang, từ bỏ vị trí giám đốc sáng tạo tại cả hai thương hiệu danh giá là Gucci và Yves Saint Laurent, Tom Ford lui về ở ẩn để ấp ủ những dự định riêng. Tháng 7/2009, Christian Lacroix tuyên bố chính thức đóng cửa nhà mốt haute couture của mình, để lại cho những kẻ mộng mơ bao niềm tiếc nuối.

Show Cruise 2008 của Chanel

Và có lẽ, không gì đáng buồn hơn sự ra đi mãi mãi của nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent. “Ông ấy đã có thể hòa mình vào bất cứ giai đoạn nào của thời trang, nhưng lại chọn luôn trung thành với phong cách của riêng mình. Và ông ấy đã đúng, khi phong cách ấy ngày nay đã hiện diện ở mọi nơi, không chỉ trên sàn diễn mà trên cả mọi con phố ở khắp thế giới” – người bạn đời và cộng sự của ông, Pierre Bergé phát biểu tại tang lễ. Nước Pháp và thời trang mãi mất đi một huyền thoại, nhưng như một bó bông lúa mạch đầy tính biểu tượng mà nữ diễn viên Catherine Deneuve đã mang đến tang lễ của ông, những di sản của Yves Saint Laurent sẽ sống mãi và lưu truyền đến nhiều thập kỷ sau.

20 YEARS OF FASHION

Vậy là hai thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ 2000 đã sắp kết thúc với rất nhiều biến động không ngừng nghỉ trong thế giới thời trang. trong những trang chuyện kể số này, chúng tôi muốn cùng độc giả điểm lại những cột mốc quan trọng có sức ảnh hưởng lớn đến dòng chảy ấy. Đó là câu chuyện về những người ở lại và cả những người đã ra đi.

Đọc thêm: Sự trỗi dậy của tuổi trẻ và nữ quyền

The post Ngược dòng thời gian về với thời trang thập niên đầu thế kỷ 21 appeared first on Tạp chí Đẹp.


Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét