Nếu được yêu cầu giới thiệu một bộ phim kinh điển về đề tài gia đình, một trong những lựa chọn đầu tiên của tôi sẽ là “Godfather” (1972). Đây không phải lần đầu kiệt tác của đạo diễn Francis Ford Coppola được nhắc đến trong các cuộc bàn luận về phim ảnh. Nhưng có những tác phẩm, mỗi lần xem lại, và qua một lăng kính khác, sẽ hiện lên dưới mắt ta hoàn toàn mới mẻ. “Godfather” (Bố già) là một trong số đó.
Bộ phim bắt đầu bằng một đám cưới. Đám cưới, há chẳng phải là nghi lễ thiêng liêng bậc nhất, đánh dấu sự bắt đầu của một gia đình đó sao? Đạo diễn Coppola đã khéo léo dùng sự kiện này để khán giả, cùng với cô gái Mỹ Kay Adams, tìm hiểu về nhà Corleone như một gia đình, và như một gia tộc lừng danh của thế giới ngầm.
Ở “Godfather”, khái niệm gia đình có thể được hiểu theo nhiều cách. Đó vừa là gia đình theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ ấy, khi Vito Corleone dứt khoát không chụp ảnh chừng nào chưa có mặt Michael. Đó vừa là gia đình theo nghĩa rộng hơn, khi các “con cháu” như tay nhà đòn Bonasera, ông làm bánh Nazorine, gã danh ca Johnny Fontane và tên sát thủ Luca Brasi tề tựu xin ân sủng từ Bố già, vị tộc trưởng ân uy gồm đủ của Little Italy. Cuối cùng, đó là một trong Ngũ đại gia của Mafia New York, tổ chức theo mô hình gia đình, lấy gia đình làm cốt lõi. Chẳng phải tự nhiên mà khi nhắc đến thằng rể Carlo, Bố già lại dặn: “Cho nó đủ ăn, nhưng đừng bao giờ bàn ‘việc nhà’ với nó”.
Cũng từ đám cưới của Connie, ta có thể thấy sự gắn bó mật thiết và tôn trọng truyền thống của một gia đình Ý sinh sôi trên đất Mỹ, thể hiện qua mỗi bài ca, qua tục mừng cưới, và tất nhiên là qua ẩm thực Ý. Hình ảnh bữa cơm gia đình xuất hiện trên phim không chỉ một lần, và nguyên tắc của Bố già là trên bàn ăn không bàn chuyện làm ăn – đây là thời gian dành riêng cho gia đình. Đó cũng là lý do khiến Coppola dành riêng một cảnh để ông chú Clemenza dạy thằng cháu Michael cách làm thịt viên kiểu Ý (khi đám lâu la đang trải nệm đánh lớn) dù chi tiết này thoạt nhìn chẳng có giá trị gì đối với mạch truyện nói chung. Và đó cũng là lý do khiến Coppola kết thúc trường đoạn đám cưới bằng cảnh Bố già trìu mến dìu Connie trong điệu nhảy đầu tiên – sau tất cả, đó vẫn là ngày của Cha và Con gái.
Khi nói về gia đình, trong “Godfather” hiện ra hai dòng chảy chính. Dòng thứ nhất, chảy xuôi, là cách Vito Corleone suy nghĩ, phát ngôn cũng như hành xử. Ở Bố già, mọi suy nghĩ đều lấy gia đình làm trung tâm, làm thước đo. Riêng về chủ đề này, những câu nói của ông trùm đủ hình thành một bộ sưu tập châm ngôn. Gặp thằng con nuôi ca sĩ, ông dặn: “Đàn ông không dành thời gian cho gia đình sẽ không thể trở thành đàn ông đích thực”. Khi Sonny lỡ mồm trong cuộc đối thoại với Sollozzo, ông quở: “Đừng bao giờ để người ngoài (gia đình) biết mình nghĩ gì”.
Khi bị ám sát, Bố già đang qua đường mua hoa quả. Sẽ có người tự hỏi ông trùm làm thế làm gì, sao không sai tài xế đi mua? Nhưng, đối với Vito, trách nhiệm thiêng liêng nhất của người đàn ông chính là mang thức ăn về cho gia đình, không chỉ theo nghĩa bóng, mà còn cả nghĩa đen. Nhà ông trùm thì có thiếu gì cam táo, nhưng Vito vẫn giữ nếp tự tay mua vì đó đã trở thành một nghi thức, một cử chỉ của người đàn ông quan tâm đến gia đình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thế nên phần hai mới có cảnh Vito hồi trẻ mang về nhà một quả lê gói cẩn thận trong giấy báo và trang trọng đặt lên bàn ăn.
Nếu bàn về nghi thức, cảnh tượng độc đáo nhất của “Godfather” hẳn là lúc Bố già xuất viện. Quy trình thủ tục nhà Corleone rất rõ ràng: đầu tiên là đàn bà con gái, các cháu lũ lượt lên chúc sức khỏe ông. Khi cả gia đình đã trình diện đầy đủ và rút lui, mới đến lượt Sonny và Tom Hagen bẩm báo công việc. Nhưng hỡi ơi, ông trùm đâu có coi việc ấy vào đâu. Lòng ông chỉ nghĩ đến Michael, câu đầu tiên ông hỏi là Michael đâu? Cái tin Michael đích thân ra tay hạ sát Sollozzo và McCluskey như sét đánh ngang tai với Bố già, ông chán nản không muốn nói gì nữa, chỉ xua tay đuổi tất cả ra ngoài.
Về sau, khi tham dự cuộc nghị hòa của Ngũ đại gia, điều kiện đầu tiên và duy nhất mà Vito Corleone đặt ra chính là Michael được an toàn quay về Mỹ. Hành xử tỉnh táo và lý trí tột cùng, nhưng sâu thẳm tâm can lại rất đỗi duy tình, đây là sự kết hợp tưởng chừng phi lý mà hóa ra lại rất tự nhiên ở Bố già. Cảnh khó quên nhất có lẽ là khi Vito và Michael trò chuyện ngoài vườn. Ông trùm thừa nhận tất cả những gì mình làm là để chăm lo cho gia đình, và không hề ân hận. Nhưng ông luôn hy vọng Michael không phải dấn thân vào con đường ấy như mình. Dù giấc mơ hợp pháp hóa nhà Corleone chưa thành hiện thực, nhưng được từ giã cõi trần khi chơi đùa với đứa cháu yêu quý nhất, âu cũng là cái kết đẹp dành cho người đàn ông của gia đình ấy.
Dòng thứ hai, chảy ngược, chính là Michael, một thanh niên Mỹ điển hình. Có thể nói Michael là phiên bản không bị đóng băng của Captain America: thông minh, học giỏi, nhập ngũ trong Thế chiến Hai và hồi hương với tấm huân chương trên ngực áo. Tin vào hệ giá trị Mỹ và yêu một cô gái Mỹ, Michael thổ lộ với Kay rằng: “Đó là gia đình anh, Kay, không phải là anh”. Tuy nhiên, tai biến xảy đến với cha mình đã buộc Michael phải nghĩ lại, và cũng từ đây anh bắt đầu cuộc “về nguồn” của mình.
Khi tới bệnh viện và thấy ông trùm nằm trơ trọi một mình, Michael bảo với Vito: “Con bên bố đây rồi”. Đó không đơn giản là một câu trấn an, mà là một lời tuyên thệ – con sẽ bảo vệ bố, sẽ vì gia đình này mà chiến đấu. Hơn ai hết, Bố già hiểu rõ điều này. Thế nên miệng Vito tuy cười nhưng mắt ông thì rơi lệ – mừng vì đứa con rốt cục đã quay về, và lo rằng nó sẽ phải dấn thân, điều ông không hề muốn. Cho nên, quyết định hạ sát kẻ thù không đến sau khi Michael bị McCluskey đấm vỡ xương gò má, mà đã được đưa ra từ trước đó, khi anh nhẹ nhàng nhắc đi nhắc lại: “I’m with you now. I’m with you”.
Việc Michael phải quay về Ý tị nạn là hệ quả của một sự sắp đặt đầy tất yếu. Điểm thú vị là trước cuộc đào tẩu đầy vội vã ấy, Sonny vẫn nhớ bảo ông em: “Mày đi đi, tội đi không chào mẹ cứ để anh trang trải”. Phải lớn lên trong một nếp nhà thế nào, một gã giang hồ cỡ Sonny mới luôn nghĩ rằng “đi không chào mẹ” là một cái tội to. Và khi hình ảnh đầu tiên của Sicily xuất hiện trên màn ảnh, cũng là lúc tiếng nhạc chủ đề dìu dặt cất lên, như một chỉ dấu báo hiệu chuyến hành hương này sẽ là mấu chốt trong việc nhào nặn nên một ông trùm mới.
Một trong những việc đầu tiên Michael làm khi đặt chân đến Sicily là tìm về ngôi làng tên gọi Corleone, mảnh đất cha anh sinh ra và đã lấy đó làm họ mới cho mình khi lập nghiệp trên đất Mỹ. Từ chỗ xa lạ và chối bỏ, Michael dần hiểu, cảm thông, để rồi cuối cùng đã phải lòng xứ sở này, cũng như anh đã phải lòng Apollonia vậy. Sự chấp nhận của Michael đối với truyền thống xứ Sicily không hề là sự nhượng bộ bề ngoài cốt để tán được cô gái tuyệt mỹ kia. Cách Michael nói chuyện với bố vợ tương lai, chủ động đề xuất được tìm hiểu Apollonia dưới sự giám sát của các bà các cô, chính là sự thừa nhận tự đáy lòng trước hệ giá trị cũ mà cha anh là đại diện. Những cảnh Michael đến thăm nhà Vitelli, chào hỏi, mời nước họ hàng và những bậc trưởng thượng đều được đặc tả, bởi đó là những nghi thức góp phần định hình nên Michael mới, một Michael-xứ-Sicily. Đỉnh điểm của cuộc nhào nặn này chính là đám cưới của anh và Apollonia, được tổ chức theo nghi lễ truyền thống tại nhà thờ làng Corleone. Michael giờ đây đã sẵn sàng cho một cuộc trở về khác, cuộc trở về để kế vị cha anh.
Có lẽ không cần phải đợi đến cuối phim, khi Tessio và Clemenza hôn tay và tôn xưng Michael là Don Corleone, chúng ta mới như Kay nhận ra anh đã lột xác trở thành ông trùm mới. Bóng dáng Vito đã hiển hiện ngay từ cái lần Michael đến thị sát sòng bạc ở Las Vegas, và nghiêm khắc nói với Fredo: “Đừng bao giờ về phe với người ngoài chống lại gia đình lần nữa”. Giống cha mình, luôn làm tất cả vì gia đình, đặt gia đình lên trên hết, nhưng sau cùng Michael lại thất bại chính ở chỗ Vito đã thành công – gây dựng và gìn giữ được một gia đình trọn vẹn. Mấu chốt của bi kịch là ở đâu? Có lẽ cho tới ngày cuối đời, khi chết trong cô độc ở căn biệt thự cũ của Don Tommasino, Bố già vẫn không trả lời nổi câu hỏi ấy. Còn người xem, có lẽ chỉ biết thở dài mà than: “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ” mà thôi.
The post “Bố già” – một định nghĩa về gia đình appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét