Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Phan Linh: Người nghệ sĩ đứng sau những ô cửa sổ của Hermès Việt Nam

Tháng 3, trời Hà Nội sương giăng khắp lối, theo đúng lịch, hôm nay là ngày tôi hẹn phỏng vấn Linh. Gọi hoài Linh không bắt máy, cũng không lạ, sau mỗi đợt làm việc căng thẳng luôn là những ngày “bung lụa” và cô sẽ ngủ nướng đến cháy khét. Đến quá trưa thì Linh gọi lại, giọng có chút ăn năn: “Qua nhà nói chuyện nhé, rồi Linh nấu ăn cho! Đi mà!”. Tôi càu nhàu dăm câu lấy lệ rồi lập tức phóng đến, vì thực lòng, ngồi ở nhà Linh ấm áp hơn nhiều so với một quán cà phê ẩm ướt nào đó.

Đúng như tôi mường tượng, trong nhà đèn vàng ấm sực, thoảng mùi cà phê và mùi dâu chín, mấy cành lê hoa trắng nở rộ trên bàn bếp, và Linh giữ đúng lời hứa, đi qua đi lại như con thoi chuẩn bị đồ nấu bữa trưa cho tôi.

Linh là như vậy, cô luôn tỏa ra một luồng năng lượng tích cực vô hình thu hút người khác, cái năng lượng ấy bừng lên trong mọi thứ cô chạm vào. Và may mắn cho cuộc đời, cho bạn bè làm sao, Linh lại là người luôn chân luôn tay: vẽ tranh, trồng hồng, chăm chút nhà cửa, nghiên cứu món ăn, thết đãi bày biện tiệc tùng miên man.

Ở Linh có một sự hợp nhất khó hiểu giữa hai trạng thái: lơ đãng và tập trung. Linh luôn lơ đãng, tay không rời điện thoại, nói chuyện nọ nhảy bổ vào chuyện kia, điện thoại, ví tiền, túi xách… không biết đã mất đến lần thứ mấy chục. Tuy nhiên, đến khi vào việc thì Linh cực kỳ tập trung, như thể có một cái công tắc vừa mới “ting!” lên trong đầu cô vậy.

Ơn giời hôm nay cái công tắc ấy đang bật, có lẽ vì chúng tôi trò chuyện về thứ mà Linh say mê nhất: công việc thiết kế cửa sổ.

Window Artist là một nghề còn rất mới mẻ, Linh đến với công việc này như thế nào?

Từ khi còn là sinh viên, mỗi lần đi qua khung cửa sổ Hermès mình thường tự hỏi không biết có bao giờ mình được đứng sau cửa sổ này, chỉ là đứng sau thôi chứ chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ là người tạo ra nó. Vào cuối năm 2013, một người đàn anh trong lĩnh vực nghệ thuật ngỏ lời mời mình tham gia vào team thiết kế cửa sổ Hermès. Và đến năm 2015 thì mình chính thức được mời chịu trách nhiệm thiết kế và thi công cửa sổ của Hermès tại Việt Nam. Cảm xúc lúc ấy giống như là giấc mơ thành hiện thực.

Linh có thể dùng những con số để mô tả khối lượng công việc mà Linh phải làm? Vất vả hay là rất vất vả?

Vất-vả-lắm-luôn! Cứ mỗi 3 tháng Linh sẽ phải thay tất cả các window: 2 window ở Hà Nội và 4 window ở Tp. HCM. 24 cửa sổ mỗi năm. Hermès khác với tất cả các thương hiệu khác ở chỗ: mỗi cửa sổ phải là một câu chuyện, và nghệ sĩ là người kể chuyện. Các thương hiệu khác có thể thiết kế, sản xuất hàng loạt và lắp đặt y như nhau ở tất cả các cửa hàng trên thế giới để đem lại một hiệu ứng xuyên suốt, nhưng riêng Hermès sẽ mời nghệ sĩ tại đất nước đó. Mỗi nước một câu chuyện, mỗi cửa hàng một câu chuyện. Thậm chí một ô cửa sổ có hai bên thì mỗi bên sẽ là chương 1, chương 2 của một câu chuyện dài. Đó thật sự là một thách thức cho người làm sáng tạo, bạn sẽ phải kể những câu chuyện theo chủ đề của năm, điều này mang tính nghệ sĩ, tính cá nhân rất cao.

Sẽ luôn luôn phải nghĩ, nghĩ và phác thảo. Thường là nguyên 1 tháng cho riêng việc phác thảo và xây dựng ý tưởng, có thể mình sẽ phải dựng những bản mock up nhỏ để đánh giá tính khả thi, sau đó gửi cho hãng duyệt.

Sau giai đoạn chỉnh sửa và duyệt là giai đoạn thi công, cuối cùng tới lắp đặt. Giai đoạn nào cũng có khó khăn vất vả của nó. Cứ 3 tháng một chu kỳ công việc như vậy nên tóc mình mới còn lại có thế này (cười).

Những điều gì theo Linh là độc đáo nhất về công việc này?

Công việc này rất hay ở chỗ nó kích thích mình sáng tạo. Mỗi cửa sổ giống như một tác phẩm, và mỗi bộ cửa sổ như một cuộc triển lãm nhỏ trong vòng 3 tháng. Rất thử thách!

Làm việc với Hermès, mình cũng học được rất nhiều từ họ. Khi mình làm đến một mức độ nào đấy, mình sẽ biết cởi bỏ những thứ phức tạp để trở thành đơn giản. Cái vui nữa là khi concept của mình được duyệt thì mình cảm thấy rất thăng hoa. Mình hạnh phúc lắm, thậm chí hạnh phúc hơn tất cả mọi điều. Cứ mỗi 3 tháng lại vui buồn hồi hộp thất vọng rồi vỡ òa với nó, quá nhiều cung bậc cảm xúc. Việc set up mỗi đêm với mọi người là vất vả nhưng đối với Linh thì đấy là thành quả. Lúc set up là lúc rất náo nức, cứ như mình được unbox đồ hiệu vậy (cười to).

Cuộc sống của Linh có thay đổi gì không từ khi trở thành một window artist?

Mình làm việc có kỷ luật hơn. Với khối lượng công việc như vậy bạn sẽ không thể hoàn thành nếu không có kỷ luật. Và qua mỗi cộng sự thì mình lại học được rất nhiều thứ. Mình nhận ra rằng khi làm chủ được không gian nhỏ trong window thì mình cũng sẽ làm chủ được rất nhiều thứ trong cuộc sống, kể cả công việc, đời sống riêng tư. Làm window cũng cho mình cách nghĩ đơn giản hơn, không phức tạp hóa mọi thứ như ngày trước.

Hình sketch cửa sổ chủ đề “Dreams” năm 2020
Hình sketch cửa sổ “The remains of the present” mùa Thu năm 2020

Linh đã được đến thăm đại bản doanh của Hermès tại Paris, Linh có thể kể lại một vài kỷ niệm về trải nghiệm quý giá mà ít ai có được này không?

Chuyến đi Paris năm 2019 là chương trình của hãng dành cho các nghệ sĩ độc lập đã làm việc trên 5 năm. Chuyến đi ấy giúp mình hiểu hơn về thương hiệu, cảm nhận rõ hơn những giá trị mình đang theo đuổi, và gặp gỡ rất nhiều nhân vật truyền cảm hứng.

Ấn tượng nhất với mình có lẽ là bảo tàng Hermès, nằm ở tầng trên của cửa hàng Hermès, phố Faubourg Saint-Honoré. Ngài Émile Hermès là một nhà sưu tập ưa dịch chuyển và có tư duy cách tân, ông xem những chuyến phiêu lưu dài ngày tới những vùng đất xa xôi là nguồn năng lượng và cảm hứng dồi dào. Linh đến và Linh đã shock vì số lượng đồ vật trưng bày ở đó, cơ man là roi ngựa, yên cương, ba toong, xe ngựa lớn nhỏ… Mà đó chỉ là một phần di sản Émile để lại thôi. Mỗi năm, tùy theo chủ đề mà người ta sẽ chọn từ kho lưu trữ những vật phẩm phù hợp để trưng bày tại bảo tàng, mở cửa cho các nhà thiết kế của Hermès đến xem để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác cho mùa mới.

Còn thú vị nhất chắc là xưởng Hermès Petit H của cô Pascale Mussard – cháu… “chút chít” mấy đời của Émile Hermès. Nơi này giống như một kho báu của Alibaba với hàng súc da thừa, vải lụa lỗi, đồ sứ vỡ… Cô Pascale Mussard đã cùng các nghệ sĩ dùng trí tưởng tượng táo bạo của mình kết hợp với sự khéo léo của nghệ nhân để tạo nên những món đồ chơi tuyệt đẹp. Đây cũng là xưởng chế tác gia công window cho cửa hàng Hermès tại Faubourg. Rất nhiều khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền để mua những món đồ dùng trang trí window, vì chúng quá đẹp mà lại không bán ở cửa hàng. Lúc Linh đến, có một anh đang vật một con hà mã dài cỡ 2 mét rưỡi ra, anh bảo Linh: “Ngồi thử đi xem có sướng không?” (cười to).

Cửa sổ “The remains of the present” mùa Thu năm 2020
Cửa sổ “Happy train” mùa Đông năm 2020
Cửa sổ “Joyful Melodies” năm 2018

Ai là window artist mà Linh ngưỡng mộ?

Bà Leila Menchari, dĩ nhiên rồi. Bà là huyền thoại gắn liền với những cửa sổ bay bổng tráng lệ tại đại bản doanh Hermès hơn nửa thế kỷ qua. Trong chuyến đi Paris, Linh được nghe kể rất nhiều về bà Leila. Có thời điểm sau chiến tranh Thế giới thứ II, mức sống xuống thấp và Hermès đang rất khó khăn, nhưng mỗi khi Leila làm window mới thì người dân Paris lại xếp hàng dài dọc con đường Faubourg để được chiêm ngưỡng, như xếp hàng tham quan triển lãm vậy. Khi nghe tin bà mất vì Covid năm vừa rồi, mình cảm thấy thực sự mất mát.

Leila Menchari là một nghệ sĩ lớn có tuổi thơ đầy ắp màu sắc, hương vị, điều này ảnh hưởng rất sâu sắc đến các tác phẩm window của bà. Vậy Linh thì sao? Tuổi thơ hay điều gì đã đem lại những điều kỳ diệu cho cửa sổ của Linh?

Hồi nhỏ Linh khá là cô đơn và chẳng có gì để chơi cả. Mình hay chui vào xó tủ, trèo lên gác xép hoặc nằm trên mái nhà tự nói chuyện một mình. Mình thích tưởng tượng, nhìn một vết nứt trên tường hay mẩu mạng nhện mình cũng nghĩ ra được đủ ý nghĩ linh tinh. Đến khi vào đại học, mình chọn ngành đồ họa. Trong nhiều năm, Linh đã thiết kế logo, bộ nhận diện, tạp chí… Đồ họa giống như một bước đệm vững chãi để mình tiến từ 2D lên 3D. Linh cũng đã từng làm thú bông, may quần áo, vẽ tranh tường, thiết kế sân khấu, và trời ơi mình còn từng mở một cửa hàng thời trang phụ kiện nữa (cười to).

Cũng kha khá trải nghiệm đúng không? Tuy nhiên, trước mỗi bước ngoặt học cái gì, làm việc nào, mình luôn quyết định nhanh chóng và đúng đắn. Và điều may mắn nhất là mình luôn được đặt vào những vị trí tốt nhất, ví dụ làm window thì mình được mời làm window cho Hermès, còn điều gì vinh dự hơn thế? Việc của mình là học hỏi và trau dồi để làm tốt hơn.

Mỗi cửa sổ giống như một giấc mơ cổ tích. Nhưng để có một Cinderella lộng lẫy trong đêm tiệc thì ngoài bà tiên ra còn cần có quả bí, có các chú chuột, chú ngựa… Để làm nên những cửa sổ lung linh như vậy, chắc Linh cũng cần sự hỗ trợ?

Đúng vậy, sau bước duyệt với hãng, Linh sẽ làm việc với nhóm sản xuất, bao gồm người làm điêu khắc, thợ thủ công… Họ sẽ triển khai những việc liên quan đến sản phẩm và background. Nếu cửa sổ sử dụng nguyên vật liệu bản địa đặc trưng, mình sẽ phải đi tới các làng nghề để kết hợp làm việc với các nghệ nhân. Tất cả các yếu tố sẽ được lắp ráp tại xưởng để đánh giá tổng thể, sau đó đến phần việc của nhóm thi công. Nhóm thi công cùng với mình sẽ làm việc vào ban đêm, thông thường mất 3 đêm để lắp đặt tất cả các cửa sổ ở Hà Nội và Tp. HCM.

Dĩ nhiên điêu khắc, handmade, thi công, lắp đặt… phần việc nào mình cũng phải tham gia rất sâu nhưng có một teamwork “cứng cựa” như hiện tại quả thật rất quan trọng để công việc có thể hoàn thành đúng hạn. Mình rất cảm kích mọi người trong team của mình.

Để ý thấy Linh đưa vào cửa sổ rất nhiều nguyên vật liệu tự nhiên và các yếu tố dân gian. Đây là yêu cầu của đề bài hay ý tưởng của riêng Linh?

Những năm gần đây, Hermès ngày càng đề cao việc bảo vệ môi trường, họ mong muốn việc trang trí cửa sổ thiên về thủ công, tái chế chứ không sử dụng nguyên vật liệu cao cấp như nhiều hãng khác. Đòi hỏi này không hề làm khó Linh mà ngược lại, mình cảm thấy rất hứng thú vì được thỏa sức thử nghiệm rất nhiều nguyên vật liệu Việt Nam, từ giấy dó, tre nứa đến vải nhung, vải dạ…

Tuy nhiên, vì Hermès được sinh ra ở Pháp, văn hóa của họ là văn hóa châu Âu nên họ không khuyến khích những yếu tố dân gian. Họ sẽ hoang mang nếu Linh đưa ra ý tưởng một cửa sổ về Lạc Long Quân – Âu Cơ, nhưng nếu khéo léo thì mình vẫn có thể kể được những câu chuyện rất Á Đông. Ví dụ vào năm chủ đề là “Dreams”, Linh đã làm cửa sổ công hóa phượng – một điển tích quen thuộc trong văn hóa châu Á. Hoặc cửa sổ ngựa trong mây, mình đã dùng những đám mây bằng nan lấy cảm hứng từ họa tiết cổ. Mình thích thì mình đưa vào nhẹ vậy thôi (cười ranh mãnh).

Có khi nào Linh bị bí ý tưởng, bị quá tải không? Những lúc như vậy, Linh thường làm gì để lấy lại cân bằng và cảm hứng?

Có chứ, bế tắc là chủ yếu (cười). Khi mà bị căng thẳng quá, bí ý tưởng quá không nghĩ được thì mình sẽ không nghĩ gì nữa, không làm gì hết. Không đọc sách cắm hoa trồng cây nấu nướng gì, chỉ ngồi một mình vậy thôi, đừng ai làm phiền gì cả. Buổi sáng hôm sau ngủ dậy, cảm thấy bản thân đã được refresh thì mình lại tiếp tục, lại phác thảo, lại nghiên cứu chất liệu.

Linh có lời khuyên nào cho những người muốn có trải nghiệm với công việc này?

Không ngừng mơ ước. Và không ngừng trau dồi để nâng cấp năng lực của bản thân. Khả năng của mình tốt thì công việc sẽ tìm đến với mình chứ mình không tìm việc, rất khó để đi tìm việc. Chưa bao giờ Linh phải đi xin việc cả, chỉ có nhiều việc quá thôi (cười).

Nếu một ngày không làm cửa sổ nữa thì Linh sẽ làm gì?

(Ngẫm nghĩ hồi lâu) Linh sẽ sáng tác, thực ra sáng tác cũng là một giấc mơ từ ngày bé. Lúc ấy Linh sẽ sống trong một ngôi nhà nhỏ nhìn ra bờ biển, và vẽ tranh, có thể lắm chứ.

Những ô cửa sổ tâm đắc của Linh

1. Cửa sổ ngựa nan, voi nan

Bộ cửa sổ nhớ đời! Khi mình về làng nghề Hạ Thái để tìm người đan hai item này thì không ai nhận cả, dân làng chỉ quen đan rổ đan rá, duy nhất có một anh nghệ nhân cam đoan anh làm được. Nhưng khi nhìn thấy thành phẩm thì mình suýt ngất vì đấy là con ngựa, con voi đồ vàng mã. Thế là Linh quyết định 1 tuần 3 lần xuống làng để tự tay đan. Anh nghệ nhân đó ngồi vót nan cho mình vì… anh không biết đan luôn. Công việc này buồn cười vậy đấy, có những thứ mình không thể diễn tả cho người ta biết phải làm như thế nào, họ không biết mình cần gì. May mắn thay, đây lại là cửa sổ được hãng khen ngợi rất nhiều!

2. Cửa sổ bàn tay

Đây là bộ cửa sổ được set up lâu nhất, mất 3 đêm liền, vì hồi ấy đội thi công của mình chưa có kinh nghiệm. Chủ đề mùa năm ấy là “Playful” và Linh lấy cảm hứng từ trò chơi dây Ayatori của người Nhật. Riêng tạo hình bàn tay đã mất 1 tháng vì phải điêu khắc và yêu cầu của mình là mỗi bàn tay để ở các góc độ khác nhau đều phải đẹp. Việc gọt tạo hình kéo dài mấy tuần mình mới ưng, sau đó bó vải, đổ composite để tạo hình bằng bột đá.

3. Cửa sổ Chú hề

Cửa sổ này toàn bộ làm mosaic bằng giấy. Nếu mosaic trên mặt phẳng thì mình có thể cắt các miếng bằng nhau rồi dán lên nhưng với mặt cong thì không hề dễ một tí nào. Mình phải làm đến đâu cắt đến đấy chứ không cắt sẵn được. Khi đặt ở xưởng, mình chia mặt chú hề thành 5 phần nhỏ, khi thi công mình mới ghép các phần liền với nhau và trau chuốt lại các mối nối.

4. Cửa sổ sắt và bột giấy

Không phải cửa sổ có nhiều chi tiết mới phức tạp, cửa sổ ít chi tiết cũng rất công phu và đây là một bộ cửa sổ như vậy. Phần sắt này mình phải mua những miếng lớn, cắt nhỏ ra rồi ráp lại. Những chi tiết còn lại làm bằng bột giấy mịn, hoa được trổ từ giấy từng cánh một rồi tạo hình thành bông. Từng chút từng chút một…

Quá trình thực hiện một set window

Idea & Sketch

Bản vẽ cửa sổ “Cheerful windows”
Bản vẽ cửa sổ “The always conquerer”
Bản vẽ cửa sổ “The never enough cosmos”
Bản vẽ cửa sổ “Dream of dreams”

Production & Set Up

Tạo hình ngựa tre từ khung ngựa Hàng Mã
Ngựa Hàng Mã sau khi tạo hình. Đây là sản phẩm 100% từ tre đan thủ công
Thợ thủ công tạo hình hoa giấy cho cửa sổ
Xử lý thủ công chất liệu vải dạ trên cửa sổ “Playful” năm 2018

Khảm từng miếng giấy để lấp đầy khuôn mặt chú hề trong cửa sổ “Playful” năm 2018
Cửa sổ được dựng trong studio để review trước khi dựng thật tại cửa hàng
Kiểm tra và chỉnh sửa sản phẩm thực tế

Enjoy

Niềm vui khi hoàn thiện một ô cửa sổ

Ảnh: Lê Lai

The post Phan Linh: Người nghệ sĩ đứng sau những ô cửa sổ của Hermès Việt Nam appeared first on Tạp chí Đẹp.


tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét