Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Chế tài lớn nhất với nghệ sĩ là sự nghiêm khắc của công chúng

Đầu tháng 9/2021, dự thảo bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ ra đời trong bối cảnh phức tạp, tiếp nhận nhiều ý kiến hoài nghi của công chúng về tính răn đe đối với giới nghệ sĩ khi không có chế tài đi kèm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thanh lọc sự “xấu xí” của một bộ phận thuộc giới nghệ sĩ, “luật pháp chỉ là cái tối thiểu, cái chính vẫn là thái độ của công chúng”.

Nền giải trí Trung Quốc đang trải qua những “cơn sóng” lớn. Hàng loạt thành tựu của các nghệ sỹ gạo cội một thời bị xóa sổ hoàn toàn bởi trào lưu “phong sát.” Tại Việt Nam, công chúng trong nước cũng mong muốn một chế tài tương tự. Song, kể từ khi ra đời, bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sỹ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành dường như chưa thỏa mãn mong muốn của khán giả.

Trên các diễn đàn báo chí truyền thông, hàng loạt bình luận kêu gọi bộ Quy tắc cần bổ sung các chế tài xử phạt. Một số quan điểm cho rằng nếu không đủ răn đe, bộ Quy tắc “chẳng cần thiết, mất thời gian và không thiết thực.”

Trên các diễn đàn báo chí truyền thông, hàng loạt bình luận kêu gọi bộ Quy tắc cần bổ sung các chế tài xử phạt. Một số quan điểm cho rằng nếu không đủ răn đe bộ Quy tắc “chẳng cần thiết, mất thời gian và không thiết thực”.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng: “Trong Bộ quy tắc, có hai khía cạnh cần quan tâm, thứ nhất là những cái cần, thứ hai là những thứ không cần.

Một số nội dung cần có, vì tính chất phổ biến, hay bị vi phạm và dễ ảnh hưởng đến công chúng như: biểu diễn nghệ thuật; tham gia quảng cáo; lên mạng xã hội; hoạt động từ thiện; xuất hiện trước công chúng; trang phục và tiêu dùng.

Điều này tạo cơ sở dễ dàng hơn để khán giả “giám sát” và đánh giá chuẩn mực người nghệ sỹ.

Một số nội dung không cần thiết, vì cần phải và đã được được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc yêu cầu ứng xử tối thiểu chung như: không cần giải thích từ ngữ; không cần liệt kê chi tiết và đầy đủ mọi yêu cầu ứng xử; không cần chế tài xử phạt; và cũng không cần nhắc lại quy định của pháp luật, mà thường chỉ “quét” một câu mang tính kỹ thuật soạn thảo kiểu như ngoài ra phải tuân thủ mọi quy định liên quan của pháp luật.”

Nhiều hoạt động nghệ thuật của nghệ sỹ đã được quy định trong các văn bản pháp luật.

Nghệ sỹ, trước hết là một con người, nên có mọi quyền và nghĩa vụ của một công dân. Về nghề nghiệp, nghệ sỹ được hiểu là người hoạt động biểu diễn hay sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp. Do đó, nghệ sỹ không chỉ tuân thủ pháp luật nói chung, mà còn phải tuân thủ các quy định liên quan đến nghề nghiệp.

Chẳng hạn như quy định tại khoản 4 Điều 3 về “Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn,” Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ “Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn,” đó là cấm “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Hay quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 về “Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật” quy định nghệ sỹ có trách nhiệm “Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.” Ngoài ra, nghệ sỹ còn phải tuân thủ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, hội đoàn nơi tham gia hoạt động.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng thẳng thắn: “Quy tắc này đòi hỏi rộng hơn, nhưng không phải là văn bản pháp quy, do đó vi phạm quy tắc này sẽ không bị xử phạt theo các chế tài xử phạt hành chính hay hình sự của pháp luật, trừ trường hợp đồng thời phạm pháp. Pháp luật mới chỉ là cái tối thiểu, quy tắc ứng xử đòi hỏi cao hơn một mức, còn chế tài lớn nhất chính là sự nghiêm khắc của công chúng.”

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết bộ Quy tắc chỉ cần điều chỉnh những hành vi chưa quá nghiêm trọng. Khi xã hội phát triển, các vấn đề mới phát sinh, bộ Quy tắc sẽ được bổ sung linh hoạt để phù hợp.

Cần nhìn nhận thực tế rằng tiếng nói “nghiêm khắc” của khán giả đang đứng giữa ranh giới dễ dãi hay không dễ dãi. Sự hả hê, tán tụng, lên án của công chúng trong những livestream của nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, lùm xùm sao kê của Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, Hoài Linh… khiến dư luận đảo chiều liên tục.

“Nhiều nghệ sỹ được hâm mộ và fan yêu chiều một cách quá mức. Sự nổi tiếng sớm hơn, tuổi đời và kinh nghiệm còn non nớt, thiếu trải nghiệm trong cuộc sống đã gây ra những hiểu lầm trong cách ứng xử cuộc sống,” diễn viên Hà Hương, gương mặt nổi tiếng trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” trải lòng.

Nghệ sỹ là người của công chúng, phải chịu sự soi xét nên cần phải có trách nhiệm xã hội cao hơn, mẫu mực hơn trong ứng xử.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp khi thần tượng gặp scandal, một số khán giả không những không lên án, tẩy chay mà còn tán tụng, ngợi ca. Đó là lỗi của công chúng, mà cụ thể là sự nhận thức lệch lạc, giáo dục, tuyên truyền chưa tốt. Phản ứng đó của xã hội thì không thể quy thành lỗi của nghệ sỹ, vì mỗi người đều cần tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân.

Mặt khác, khi chưa có đầy đủ bằng chứng xác đáng và kết luận của cơ quan chức năng mà công chúng với tâm lý đám đông lại hùa vào mạt sát, xúc phạm, lăng mạ nghệ sỹ hơn cả tội phạm, thì chính công chúng mới là người đáng trách, thậm chí phạm pháp.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng luật pháp Việt Nam rất tôn trọng công dân: “Thậm chí theo nguyên tắc suy đoán vô tội, thì khi một người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố hay đã bị đưa ra toà án xét xử về tội hình sự thì cũng chưa được phép coi là tội phạm, mà chỉ là bị can, bị cáo (nghi can). Chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì mới gọi là tội phạm hay phạm nhân.”

Công chúng liên tục “đề nghị” một cơ chế thẳng tay trừng trị giới nghệ sỹ nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta đã đủ “tỉnh táo” để phán xét mọi chuyện mà bản thân cho là đúng hay chưa?

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, giảng viên Đại học Sân khấu-Điện ảnh chia sẻ: “Bản chất của hiện trạng ứng xử thiếu văn minh phản ánh tình trạng một bộ phận nghệ sỹ yếu kém về nhân cách, sự thiếu hụt những tình cảm xã hội tốt đẹp cần trau dồi trong suốt cuộc đời sáng tạo, nhưng khó có thể “bôi đen” cả giới nghệ sỹ vì vẫn còn những người sẵn sàng cống hiến cho quốc gia.”

Tại các trường đại học hàng đầu về nghệ thuật, điều được đặt lên trước hết trong đạo đức nghề nghiệp là mối quan tâm đối với con người, là thái độ ứng xử văn minh và nhân đạo. Con người được coi là cái gốc, mục đích cuối cùng của nghề nghiệp cũng là phục vụ con người.

Bộ Quy tắc trở nên hoàn thiện không chỉ phụ thuộc vào bên ban hành – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp – nghệ sỹ, mà còn liên quan tới mỗi công chúng thưởng thức nghệ thuật. Khi “văn hóa phong sát” len lỏi vào trí óc người Việt, chúng ta mặc định Việt Nam cần phải xử lý mạnh mẽ đến mức “bốc hơi” toàn bộ sự nghiệp chục năm của một nhân vật lớn như mô hình tại Trung Quốc, Hàn Quốc, mới chấm dứt được tình trạng tiêu cực đến từ giới nghệ sỹ, nhưng lại quên mất rằng, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là truyền thống “thương người như thể thương thân,” đoàn kết như một thể thống nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức quan niệm: “Một xã hội muốn ổn định và bền vững cần phải cân đối mọi mặt với sự sẻ chia và thấu cảm. Nếu xã hội mất đi sự nhân văn thì liệu xã hội còn có thể tồn tại?”

“Ngay cả khi không có ‘phong sát,’ một nghệ sỹ tại Việt Nam vẫn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp nếu vướng vào scandal và bị người hâm mộ lên án. Con người có thể căm ghét cái tật, nhưng không thể phủ nhận cái tài! “Bán án tử” cho người nghệ sỹ cần được xem xét kỹ, bao hàm cả những đóng góp của người nghệ sỹ đó trong suốt quá trình hoạt động cho nước nhà, để có một kết quả thỏa đáng và chính xác nhất,” ca sỹ Bảo Kun tâm sự.

“Ta thấy rằng còn nhiều vấn đề mà xã hội đặt ra nổi cộm lên vì chúng ta chưa quen, chưa ứng xử với nó theo một cái nếp nào đó, nên chúng ta thấy nó lạ, mà cứ cái gì lạ thì ta cho rằng đó là bê bối,” Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhận thấy nhiều bất cập trong văn hóa ứng xử của công chúng.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quý Đức cũng cho rằng: “Chúng ta chưa nhìn sâu vào vấn đề và chạy theo dư luận xã hội, cần phải có một cách nhìn nghiêm túc, có tính nhân văn cao và văn minh hơn. Mỗi người cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề để khắc phục chứ không phải nghiêm khắc phê phán bằng việc chửi bới, mạt sát, phỉ báng người mà chúng ta xem là bê bối.”

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn kỳ vọng về một bộ quy tắc hoàn thiện, được ban hành sớm, và điều chỉnh liên tục theo bối cảnh: “Việt Nam cần xây dựng bộ Quy tắc ứng xử mà cái gốc chuẩn chính là tình yêu con người, sự tôn trọng phẩm giá con người, có ý thức sâu sắc và khát vọng lớn về sự công bằng, chính trực. Để cái gốc ấy sâu, rộng và chắc chắn, người nghệ sỹ khi còn là sinh viên hay thợ học việc cần bồi bổ lòng say mê tri thức văn hóa, khát vọng chiếm lĩnh kỹ năng tinh xảo của nghề nghiệp!”

The post Chế tài lớn nhất với nghệ sĩ là sự nghiêm khắc của công chúng appeared first on Tạp chí Đẹp.


tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét