Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Ca sĩ Bích Phương: “Yêu người khác chỉ cần cảm xúc, còn yêu bản thân thì cần rất nhiều nỗ lực”

Không chỉ dồn hết tâm huyết cho hoạt động âm nhạc, Bích Phương vừa thực hiện Podcast Nằm xuống liu riu – nơi cô trút hết nỗi lòng, tâm sự đủ thứ trên đời… kể cả những chuyện riêng tư nhất của mình. Khi hỏi Bích Phương có ngại người nghe sẽ buông ra những lời nhận xét không hay về mình không, nữ ca sĩ thẳng thẳn đáp: “Đó là tôi của quá khứ. Trong tương lai tôi cũng đâu có như thế nữa mà sợ ai đánh giá gì mình chứ”. Từ làm nhạc đến đối diện với những vấn đề trong tình cảm và cuộc sống, Bích Phương chính là kiểu người trung thành với điều mình thích, dám yêu dám từ bỏ, có thể sai có thể đúng nhưng không bao giờ từ bỏ bản thân. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mấy ai làm được? 

“Một ca khúc để trở thành hit thì phần âm nhạc hay thôi là chưa đủ”

Đối với những sản phẩm âm nhạc của chị, tạo trend (xu hướng – PV) có phải là yếu tố quan trọng hơn hết?

Âm nhạc giúp tôi thể hiện bản thân và đưa quan điểm của mình đến với khán giả. Và để tối đa hóa khả năng truyền tải thông điệp thì bắt buộc ca khúc đấy phải có sức ảnh hưởng nhất định trong thời điểm ra mắt. Việc tạo trend là mong muốn cũng như sở thích của tôi mỗi khi làm âm nhạc, nhưng không phải là trên hết vì đó chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để có thể làm nên một ca khúc hay. Đối với tôi, cảm xúc và tính chân thật là những điều quan trọng nhất.

Trong các ca khúc của mình, đâu là bài hát tạo trend mà chị không ngờ tới nhất?

Chỉ có bài tôi tưởng thành trend mà cuối cùng lại không thành thôi (cười). Nói đúng hơn, khi ra mắt một sản phẩm âm nhạc, tôi phải chủ động trong mọi khâu để nó đạt hiệu quả như mong muốn. Nên chỉ có bài mình nghĩ nó thành trend nhưng cuối cùng nó flop thôi, đâu có bài nào mình lại không mong nó thành trend đâu! Còn nếu bản thân cảm thán nói: “Ôi thôi, mình không có hy vọng gì nhưng nó lại trend”, thì là bốc phét đấy. Đừng tin!

Vậy bài nào chị mong nó thành trend nhưng không được?

“Chị ngả em nâng” là một trong số đấy. Tôi nghĩ nó sẽ trở thành “ca khúc quốc dân” cho các chị em. Thật ra, nó không được thành trend như tôi mong muốn thôi, chứ nó vẫn có một hiệu ứng nhất định, không đến nỗi nào. Tôi hy vọng nó sẽ thắt chặt tình chị em nhiều hơn, nhưng nó có vẻ… không thắt được cho lắm. Thôi cũng không sao, cũng là một lần rút kinh nghiệm (cười).

Phong cách âm nhạc của chị có dựa trên điều gì mà linh hoạt thay đổi?

Dựa vào thời điểm và từng phong cách âm nhạc tôi đang thể hiện. Ví dụ khi hát nhạc ballad thì không thể quá cá tính, hát nhạc buồn thì phải nữ tính một chút, còn nếu là ca khúc có tiết tấu hoặc hát về những chủ đề sắc sảo hơn thì tôi phải tô đậm cá tính của mình. Tựu trung lại, tôi vẫn là chính tôi không thay đổi, tôi chỉ thể hiện những khía cạnh khác của bản thân để phù hợp với từng sản phẩm.

Phụ nữ thời này hướng tới sự độc lập, mạnh mẽ và tự chủ, vậy những ca khúc có chút ủy mị của chị sẽ khá kén người nghe. Không phải là chị tự làm khó mình rồi sao?

Khi tôi ra một bản nhạc tiết tấu, có khán giả lại bảo “trả Bích Phương ballad đây!”, đến lúc tôi hát nhạc ballad thì một số lại bảo “trả Bích Phương hát ‘Đi đu đưa đi’ đây!”. Thường thì một sản phẩm âm nhạc chỉ đáp ứng được một nhóm khán giả nhất định. Hiếm lắm mới có một sản phẩm làm hài lòng tất cả. Tôi muốn những sản phẩm âm nhạc của mình sẽ luôn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của ít nhất một nhóm đối tượng khán giả nào đấy, những người cũng đang có chung nhịp đập cảm xúc với mình ở ngay tại thời điểm đó.

Tức là chị sẽ thử cả những gout nhạc không phải thế mạnh của mình?

Từ trước đến nay tôi luôn chỉ làm thứ âm nhạc mà mình thích. Ví dụ tôi đâu có thích âm nhạc đương đại hay nhạc rock nên sẽ không cố để hát những thể loại nhạc đó. Tôi cũng không cố định một dòng nhạc quá lâu chỉ vì nghĩ rằng người nghe thích thế. Thay vào đó, tôi cố gắng di chuyển rộng nhất trong vùng âm nhạc thuộc sở thích và khả năng của mình để âm nhạc của mình phong phú và có thể phục vụ cho nhiều người nhất có thể.

Liên tục tạo ra các bản hit như “Bao giờ lấy chồng”, “Bùa yêu”, “Đi đu đưa đi”… hẳn chị đã có cho riêng mình một công thức chung?

Tôi và ekip luôn hướng tới một “công thức” – đó làm sao để sản phẩm ra mắt hay nhất có thể tại thời điểm đó, còn việc chắc chắn nó sẽ là hit thì hơi khó. Vì một ca khúc để trở thành hit thì phần âm nhạc hay thôi là chưa đủ. Nó còn liên quan rất nhiều yếu tố khác như sự can thiệp của marketing, phần hình ảnh… và cả những yếu tố khách quan mình không kiểm soát được.

“Tôi mới ý thức được phải yêu bản thân mình gần đây.”

Vừa rồi, chị tâm sự về trải nghiệm tình cảm mình rất lấy làm ân hận trên Podcast. Tại sao lại là số Podcast đó? Thời điểm đó?

Thật ra dịch bệnh làm cho quỹ thời gian của tôi rộng ra, chứ bình thường bận lắm, làm gì có thời gian làm Podcast để ngồi huyên thuyên kể những chuyện linh tinh hồi xưa hồi bé của mình. Thêm nữa, tôi thấy trong thời điểm dịch bệnh, cả xã hội đều phải ở nhà và mạng xã hội là cánh cửa duy nhất để mọi người hướng ra ngoài, nhưng nó lại đầy rẫy thông tin tiêu cực, những bài viết “bóc phốt”. Thế nên, trước là kết nối với mọi người, sau là tôi muốn đóng góp những nội dung nhẹ nhàng hữu ích. Nếu họ không thấy có ích, ít ra nó cũng không phải là một con sâu đục khoét tâm hồn.

Chia sẻ vấn đề quá riêng tư và mang tính chất dễ gây chia rẻ dư luận như vậy, chị có nghĩ đến những phản ứng trái chiều?

Tôi không phải là người liều lĩnh sẽ chia sẻ những chuyện gây ảnh hưởng đến người khác hay bản thân mình. Những chuyện tôi lựa chọn kể đều đã xảy ra từ rất lâu. Những người trong câu chuyện đều đã có cuộc sống mới, và tôi cũng đã rút ra được rất nhiều bài học từ chuyện đấy. “Nhân vô thập toàn”, ai chẳng có lúc sai lúc đúng. Quan trọng là mình có nhận ra được bài học gì từ đấy không và có nỗ lực hoàn thiện bản thân mình hơn không. Đó là tôi của quá khứ. Trong tương lai tôi cũng đâu có như thế nữa mà sợ ai đánh giá gì mình. Còn chuyện gây chia rẽ, tôi không nghĩ điều mình chia sẻ lại khiến mọi người xa cách đâu. Tôi luôn muốn mọi người xích lại gần nhau hơn và vui vẻ bên nhau trong hoà bình mà.

Trong chuyện tình cảm, nhiều người cho rằng nếu yêu hết mình sẽ dễ tổn thương, tốt hơn vẫn nên giữ lại cho bản thân vài phần. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Theo tôi, nếu ai cũng lý trí như thế, tôi sợ rằng tình yêu sẽ không tồn tại. Không riêng chuyện yêu đương, chẳng ai muốn mình chịu thiệt trong tất cả những mối quan hệ. Đối với chuyện tình cảm, nhiều lắm cũng chỉ kiểm soát được vài phần thôi. Về phần mình, tôi không cân đo đong đếm được như thế. Chẳng may gặp người làm cho mình yêu nhiều, mình cũng phải yêu nhiều thôi không yêu ít được đâu (cười). Tôi nghĩ dù thành công hay là thất bại trong chuyện tình cảm, nó cũng là một trải nghiệm. Đến khi nào bài học đã được ngấm qua nhiều lần thực hành, một cách tự nhiên mình sẽ biết phải làm gì trong mối quan hệ của mình mà không cần phải suy tính.

Trong những mối quan hệ trước đây, chị có ý thức được việc yêu bản thân mình không?

Không, tôi mới ý thức được phải yêu bản thân mình gần đây. Nói đúng hơn là tôi không hề quan tâm tới, thậm chí tôi còn không đặt câu hỏi. Tôi cảm thấy chuyện yêu bản thân không hề dễ dàng một chút nào và phải cần rất nhiều lý trí. Yêu người khác chỉ cần cảm xúc, còn yêu bản thân thì cần rất nhiều nỗ lực. Có rất nhiều người có thể yêu bản thân họ một cách dễ dàng, nhưng đây là chuyện tôi cần phải luyện tập rất nhiều và hiện tại vẫn đang phải tập.

Nếu được gặp lại chính mình phiên bản trẻ hơn, chị sẽ nói với bản thân điều gì về tình yêu?

Tôi sẽ không khuyên gì đâu, vì tôi nghĩ tôi phải ngu ngốc bằng đấy thì giờ tôi mới tỉnh ra được. Chứ hồi đấy giáo dục quá nhiều cũng chưa chắc đã tốt. Tôi sẽ nói rằng: “Sau này mày chắc chắn sẽ khôn lên, nên đừng có ngại ngu ngốc, cũng phải ngu thì mới khôn được. Đó là một lộ trình bắt buộc rồi, đừng hy vọng đốt cháy giai đoạn làm gì!”. Nói chung, nếu cuộc đời mình phải giẫm “mìn” để khôn lên, kiểu gì chẳng phải giẫm, chả tránh được đâu (cười).

Không riêng chuyện tình cảm, chị cũng từng công khai về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ sau một thời gian giấu kín. Vậy chị muốn gửi gắm thông điệp gì với các khán giả nữ – những người vẫn loay hoay trong hành trình làm đẹp của họ?

Tôi thừa nhận chuyện phẫu thuật thẩm mỹ để bản thân không bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thêu dệt rằng tôi sửa đủ chỗ trên người. Nếu sửa hết trên người không còn chỗ nào để sửa thì còn gì là con người nữa. Điều đấy thật không công bằng. Tôi không làm gì sai cả. Nếu bạn bỏ bê bản thân thì mới phải xấu hổ, còn biết cách làm đẹp cho mình thì có gì phải xấu hổ.

Thế nên tôi chỉ muốn nói là mọi người đừng lơ là việc chăm sóc và làm đẹp cho bản thân, chứ không khuyến khích mọi người làm tương tự. Có rất nhiều cách làm cho mình đẹp hơn. Nhưng nếu đã chọn phẩu thuật thẩm mỹ thì đây là một quyết định lớn trong đời, không giống như cắt tóc hay thay đổi phong cách ăn mặc vì nó sẽ theo bạn cả đời. Để giảm thiểu rủi ro, bạn phải nghiên cứu thật kỹ, đọc nhiều tài liệu và phải chắc chắn mình có thể chịu trách nhiệm thì hãy làm. Có một sự thật là bạn sẽ phải mất tiền và chịu đau đớn nhưng chưa chắc nó đã đẹp.

Những ngày giãn cách vừa qua, bên cạnh làm Podcast, còn có điều thú vị nào nữa không?

Tôi học Yoga. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể gập người với tay chạm được ngón chân cái của mình. Nhưng bây giờ tôi có thể nằm bẹp xuống, tôi trồng được cây chuối, tôi lộn mèo, tôi xoạc ngang xoạc dọc. Thật là thần kỳ (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Ảnh: NVCC

The post Ca sĩ Bích Phương: “Yêu người khác chỉ cần cảm xúc, còn yêu bản thân thì cần rất nhiều nỗ lực” appeared first on Tạp chí Đẹp.


tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét