Văn sĩ Y Phương từng viết: “Người đàn ông tựa lưng người đàn bà/ Còn người đàn bà tựa lưng biển cả” (trích bài thơ “Tựa“), hình ảnh người phụ nữ không còn là cành “liễu yếu đào tơ”, mỏng manh, yếu đuối, mà là các “nữ cường” đầy nghị lực không kém cạnh cánh mày râu. Trên màn ảnh cũng vậy, hình tượng người phụ nữ được các nhà làm phim khai thác theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi một bộ phim là một câu chuyện, một lời nhắn gửi, lời nhắc nhở và là nguồn năng lượng tích cực truyền cảm hứng đến các phái đẹp ở bất kỳ thời đại nào.
“Pride and Prejudice” (2005): Tình yêu vực dậy lòng kiêu hãnh và xóa nhòa mọi định kiến
“Pride and Prejudice” (tựa Việt: “Kiêu hãnh và định kiến“) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Jane Austen. Sau hơn hai thập kỷ kể từ khi ra mắt năm 1813, cuốn tiểu thuyết này luôn lọt top những quyển sách hay nhất mọi thời đại. Mặc dù được chuyển thể nhiều lần thành phim và kịch sân khấu, thế nhưng, phiên bản năm điện ảnh 2005 do Keira Knightley và Matthew Macfadyen đóng lại nhận được nhiều lời tán dương và phản ứng tích cực từ giới chuyên môn và khán giả màn ảnh.
Lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ 18, “Pride and Prejudice” đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu của Elizabeth Bennet (Keira Knightley) và Darcy (Matthew Macfadyen). Vì quá đặt nặng lòng kiêu hãnh của bản thân và định kiến từ giai cấp, cả hai không thể thấy được điểm gì tốt ở đối phương. Sau những tranh cãi không hồi kết, họ dần cảm mến nhau và chợt nhận ra bản thân đã không cho nhau một cơ hội để hiểu đối phương hơn. Câu chuyện không chỉ để lại cho khán giả nỗi bồi hồi, say sưa theo mạch cảm xúc từ các nhân vật, mà còn là cảm giác nể phục, ngưỡng mộ cho một chuyện tình thật đẹp.
“North Country” (2005): Khúc khải hoàn của phụ nữ chống lại nạn quấy rối tình dục
“North Country” (tựa Việt: “Không thể lặng im“) dựa trên một câu chuyện có thật ở miền Bắc nước Mỹ, kể về cô công nhân nghèo Josey Aimes (Charlize Theron) dũng cảm đòi lại công bằng khi bị lạm dụng tình dục ở nơi làm việc, đồng thời đánh dấu sự ra đời của nhiều đạo luật chống nạn quấy rối tình dục vốn không mấy quen thuộc vào thời điểm lúc bấy giờ.
Cuộc đời đầy rẫy những tổn thương và bi kịch quấn lấy người phụ nữ yếu đuối Josey Aimes khi gặp phải những gã đàn ông tệ bạc trong đời. Từ người bạn trai cũ thời trung học không đàng hoàng, thầy giáo chuyên giở trò đồi bại, đến người chồng vũ phu, Josey quyết không để bản thân chịu đựng chuỗi ngày dày vò thể xác lẫn tinh thần. Cô trở về quê – vùng Minnesota nghèo – ngày ngày làm việc ở hầm mỏ để mưu sinh. Thế nhưng, tại đây, Josey lại trở thành một trong những nạn nhân của nạn xâm hại tình dục. Quyết tâm chống lại nhóm công nhân quấy rối mình, trong đó có cả bạn trai thời cấp 2 của cô là Bobby Sharp (Jeremy Renner), Josey đã nộp đơn tố cáo họ lên tòa án nhằm đòi lại công bằng cho bản thân và lên tiếng bảo vệ toàn thể phụ nữ cùng chung hoàn cảnh. Bộ phim không chỉ phản ánh chân thật cuộc sống của những người phụ nữ nghèo, không có tiếng nói trong xã hội, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh trước nạn quấy rối tình dục trong xã hội mà nhiều người vẫn còn xem nhẹ.
“The Help” (2011): Nụ cười châm biếm sâu cay về tàn dư nạn phân biệt chủng tộc thời hậu hiện đại
Mặc dù đề tài về nạn phân biệt chủng tộc đã quá xưa cũ, thế nhưng “The Help” (tựa Việt: “Người giúp việc“) lại mang góc nhìn đa diện, gây xúc động mạnh trước cuộc đời lam lũ của các cô giúp việc da màu và là một trong những tác phẩm hay nhất năm 2011.
Bối cảnh phim đặt tại vùng Mississippi vào những năm 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc ở giai đoạn đỉnh điểm, ở đó, những người giúp việc da đen trở thành một “món hàng”, “công cụ sai khiến”, thậm chí từ bỏ nghĩa vụ làm mẹ vì họ không thể nuôi nấng con của chính mình chỉ vì phải chăm nom con của chủ người da trắng. Để nhận được những đồng lương rẻ mạt đó, họ phải lao động miệt mài, không quản khó khăn, chịu đựng sự lăng mạ cay nghiệt từ chủ nhà… Bộ phim cuốn hút người xem ngay từ những phút đầu tiên, các sắc thái cảm xúc cũng đẩy đến cực điểm. Đồng thời, bộ phim đã phản ánh tàn dư của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tiếp diễn trong xã hội hiện đại.
“Suffragette” (2015): Nếu đàn ông có quyền đấu tranh cho sự tự do của họ, thì người phụ nữ cũng được hưởng những quyền lợi đó
“Suffragette” (tựa Việt: “Quyền bầu cử“) thuật lại câu chuyện có thật của Mauds Watts (Carey Mulligan) – một nhà hoạt động ủng hộ phong trào nữ quyền và là công nhân giặt ủi trong một nhà máy toàn là nữ. Trong một lần, Mauds chứng kiến một đám đông biểu tình đòi quyền bầu cử cho phụ nữ và bị cảnh sát bắt giam. Cô bắt đầu tìm hiểu và quyết đi theo con đường của những người phụ nữ đó để đòi lại quyền mà người phụ nữ đáng được nhận. Mặc cho những lời chỉ trích, những trận tra tấn từ cảnh sát hay thậm chí là bị bắt giam trong ngục tù, Mauds vẫn kiên trì chiến đấu vì quyền lợi của người phụ nữ.
Lấy bối cảnh chính trị làm nền tảng, bộ phim khắc họa rõ nét tinh thần quật cường của nữ giới trước giới chức quyền lực. Mauds sẵn sàng bị cho là “kẻ chống đối” chính phủ, bị gia đình ruồng bỏ, bị xã hội chỉ trích,… nhưng vì lý tưởng đã đặt ra mà không ngại hy sinh. Bên cạnh đó, khán giả không khỏi bồi hồi, xúc động trước hình ảnh cô công nhân nhỏ nhắn bị chồng xua đuổi và chia tay các con trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, sự hy sinh của Mauds nói riêng và nữ giới nói chung không bao giờ vô nghĩa. Năm 1928, chính quyền Anh chính thức thông qua quyền cho phép phụ nữ được bầu cử, tạo sức mạnh cho các phong trào nữ quyền ở các nước phương Tây khác.
“Miss & Mrs. Cops” (2019): Đòn phản công đầy táo bạo vạch trần nạn quay lén bất hợp pháp ở xã hội Hàn Quốc
Trong năm 2019, chủ đề phim nữ quyền được các nhà làm phim Hollywood lăng xê hết mực, chẳng hạn như “Aladdin“, “Dark Phoenix”,… rất thành công tại phòng vé quốc tế. Nhìn chung, các bộ phim này đều đề cao chủ nghĩa cá nhân và hoài bão của phái đẹp. Tuy nhiên, “Miss & Mrs. Cops” (tựa Việt: “Phi vụ nữ quyền“) lại mang màu sắc bình dị, gần gũi và thực tế hơn qua việc vạch trần nạn quay lén và hiếp dâm làm xôn xao dư luận Hàn Quốc trong thời gian qua.
Màn tung hứng vô cùng ăn ý của bộ ba Mi Young (Ra Mi Ran), Ji Hye (Lee Sung Kyung) và Soo Young (Jang Mi) khiến khán giả không khỏi bật cười, bên cạnh đó là những pha hành động truy bắt tội phạm của các “nữ cường” trong phi vụ đi tìm công lý cho các nạn nhân của nạn quay lén. Qua các miếng hài mới mẻ đan xem cùng giọng điệu mỉa mai về vấn nạn bê bối tình dục trong các câu thoại và tình tiết trong phim phần nào lột tả được hiện thực xã hội Hàn Quốc và tinh thần chống lại những kẻ xâm hại quyền con người, quyền phụ nữ của người dân nơi đây.
“When the Camellia Blooms” (2019): Phụ nữ luôn có quyền yêu và được yêu
Không sử dụng chất liệu điện ảnh đã quá quen thuộc trên màn ảnh từ trước đến nay như cuộc sống giới tài phiệt, chính trị căng thẳng hay chuyện tình của hoàng tử – lọ lem, các thước phim trong “When the Camellia Blooms” (tựa Việt: “Khi hoa trà nở“) lại thu hút người xem bởi chất “đời” và chất “tình” từ những con người bình dị. Ngay từ khi công chiếu, bộ phim luôn duy trì mức rating ổn định, riêng tập cuối đạt 23.8%, phá vỡ mọi kỉ lục trước đó và trở thành bộ phim truyền hình có rating cao nhất năm 2019.
Trong phim, “nữ hoàng phim lãng mạn” Gong Hyo Jin vào vai bà mẹ đơn thân Dong Baek, chủ của một quán rượu nhỏ ở Ongsan, nên duyên cùng sĩ quan cảnh sát Yong Sik (Kang Ha Neul). Trong khung cảnh làng quê bình dị ấy, người mẹ đơn thân phải vất vả lao động nuôi con khôn lớn còn phải chịu bao lời cay nghiệt, xa lánh từ xã hội. Vì họ cho rằng người phụ nữ không chồng mà có con là hình ảnh xấu đối với cộng đồng. Sự xuất hiện của chàng trai Yong Sik giúp Dong Baek nhận ra được giá trị của bản thân và giá trị thật sự của tình yêu. Ngoài những cảnh quay tình cảm lãng mạn, bộ phim còn lồng ghép thêm nhiều nút thắt trinh thám ly kỳ, bí ẩn giúp mạch phim có chiều sâu hơn.
The post Những bộ phim ngợi ca sức mạnh phi thường của người phụ nữ appeared first on Tạp chí Đẹp.
Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét