Sau hơn một năm rưỡi sống chung với đại dịch toàn cầu khiến khái niệm “thế giới phẳng” chưa bao giờ trở nên dễ hiểu đến thế, dù là với hàm ý tiêu cực; đã đến lúc chúng ta nghĩ đến ngày Covid-19 kết thúc trong tương lai gần khi chiếc “chìa khóa” vaccine lần lượt mở ra những cánh cửa cho hy vọng và hồi sinh. Bạn sẽ làm gì khi đại dịch kết thúc?
Kể từ khi dịch virus Corona bùng phát vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan rộng thành đại dịch toàn cầu, tính đến ngày tôi ngồi viết những dòng chữ này, cơn địa chấn Covid-19 đã gây ra những thảm kịch khó tưởng tượng nổi. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 181 triệu người bị nhiễm bệnh và lấy đi sinh mạng của 3,92 triệu người trên khắp toàn cầu. Hàng tỷ người trên thế giới sống trong nỗi hoảng loạn bao trùm, bị cách ly xã hội dài ngày và bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, mất việc làm cùng hàng trăm thay đổi lớn nhỏ khác, trực tiếp hay gián tiếp tác động đến đời sống và sinh hoạt của con người, cả thể chất lẫn tinh thần. Có lẽ trong hơn nửa thế kỷ qua, chưa có một dịch bệnh hay sự kiện nào lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh và sinh kế của con người như thế.
Và cơn ám ảnh dịch bệnh vẫn đang còn hiển hiện ở đó, với những biến chủng virus mới tạo ra các làn sóng nhiễm bệnh tiếp theo, với cuộc chạy đua vaccine giữa các quốc gia, với những nỗi âu lo: tiếp tục sống mòn mỏi khi bị phong tỏa đến mức kiệt quệ về kinh tế hay chấp nhận sống chung cùng dịch bệnh và không ít rủi ro? Nhưng tôi tin chắc một điều, không sớm thì muộn, Covid-19 cũng sẽ kết thúc như bao đại dịch khác từng tồn tại trên trái đất.
Hay nói như nhà văn Phong Tử Khải trong cuốn tạp văn “Sống vốn đơn thuần”, rằng: “Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn gì cũng có ngày ngẩng cao đầu. Việc cá nhân là vậy, việc quốc gia, dân tộc cũng là như thế”.
Và khi dịch bệnh kết thúc, chúng ta sẽ làm gì trong điều kiện bình thường mới?
Một ước mơ quá đỗi giản dị, thậm chí có thể xem là… tầm thường trước đây, lại trở thành điều đầu tiên mà người Mỹ chọn lựa trong “100 điều mà bạn sẽ làm khi đại dịch kết thúc” trên tờ USA Today phát hành hồi cuối tháng 3, khi chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được tổng thống Mỹ Biden ban hành rộng rãi khắp nước Mỹ. Là quốc gia có số người nhiễm bệnh lớn nhất và số người tử vong nhiều nhất vì Covid-19, nước Mỹ có lẽ cũng là một trong số những quốc gia đầu tiên sớm thoát khỏi đại dịch và đang quay trở lại với cuộc sống bình thường mới. Rất nhiều bạn bè của tôi ở Mỹ thừa nhận rằng họ có cảm giác thời điểm dịch bệnh kết thúc đã đến rất gần và đang háo hức để bắt đầu thực hiện lại những công việc hay thú vui đơn giản đã từng quá quen thuộc với họ trước đây, như ra biển lướt ván, vào rạp xem những bộ phim bom tấn mùa hè hay tham dự một sự kiện thể thao có hàng ngàn người tham dự.
Trong những gợi ý của tờ USA Today Life, tôi cũng đọc được những điều mà người Mỹ sẽ thực hiện khi đại dịch kết thúc, vốn quá đỗi giản dị và quen thuộc, nhưng giờ đây lại trở thành những thứ quý giá đối với họ, như “vào quán bar nghe nhạc sống, kề vai sát cánh uống bia và trò chuyện; sẵn sàng để hôn người lạ; ghé thăm gia đình và bạn bè trực tiếp, không phải qua màn hình; làm việc ở văn phòng hay hẹn hò ở quán cà phê chứ không phải trong bốn bức tường hay qua màn hình Zoom; đi du lịch trong nước và quốc tế; bước lên máy bay và bay đến một nơi xa lạ mà không lo sợ phải bị cách ly dài ngày ở cả nơi đến lẫn nơi về; xem các buổi hòa nhạc đông người, vào bảo tàng; xem phim bom tấn tại rạp với bỏng ngô và Pepsi…”
Họ cũng vĩnh viễn muốn cấm các cụm từ đáng sợ xuất hiện liên tục trên các bản tin trong suốt hơn một năm rưỡi qua như “ngay lúc này, hơn bao giờ hết”, “trong những thời điểm chưa từng có”, “giữa đại dịch Coronavirus”… và mọi biến thể của những cụm từ gây “sát thương” như vậy.
LÂM LÊ
Lê Hồng Lâm là một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng đã có nhiều đóng góp giá trị cho nền điện ảnh Việt Nam. Anh đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về điện ảnh như: “Xem chữ đọc hình”, “Chơi cùng cấu trúc”, “Cánh chim trong gió”, “Sự lưỡng nan của tình thế làm người”, “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”, “Người tình không chân dung”.
Đó là những khát khao rất đỗi bình thường của hầu hết chúng ta, những con người bình thường với những nhu cầu bình thường trên thế giới phẳng ngày nay: được sống và được tận hưởng niềm vui sống.
Còn với những chính trị gia, những nhà tư tưởng, nghệ sĩ hay triết gia, đại dịch lần này đã khiến họ suy tư nhiều hơn về sinh mệnh của con người trên trái đất, hay đưa ra những tầm nhìn xa về một đại dịch tiếp theo chẳng hạn, nơi con người chúng ta trở nên chủ động và thông thái hơn khi đối mặt với dịch bệnh.
Trong dự án “Suy tư cho thời hậu Corona” do viện Goethe tổ chức với câu hỏi: “Đại dịch này có ý nghĩa gì đối với mỗi người trong chúng ta, và đối với xã hội?”, nhiều trí thức và nghệ sĩ đã đưa ra những góc nhìn sâu sắc trước đại dịch lần này. Trong số đó, tôi đồng cảm với phần trả lời của Michael Zichy, triết gia người Áo.
Khi được hỏi hy vọng của ông dựa vào đâu (về những điều tích cực sau đại dịch), Michael Zichy nói rằng:
“Nhân loại đã thực sự trở nên thông thái hơn khi bước ra khỏi một số cuộc khủng hoảng. Và cuộc khủng hoảng hiện tại cũng thể hiện ba tố chất mới, khả dĩ nâng cao xác suất là chúng ta sẽ học được gì đó từ khủng hoảng: nó là một kinh nghiệm tập thể ở quy mô toàn cầu về một mối đe dọa chung, từ đó sinh ra một ý thức thuộc về lẫn nhau, kiến tạo sự thấu cảm và thúc đẩy tình đoàn kết.
Cuộc khủng hoảng này có sức hủy diệt, có phá tan mọi lề thói quen thuộc, vô hiệu hóa các hình mẫu tư duy theo lệ cổ, và đòi hỏi một định hướng mới trong tư duy và hành động. Điều đó tăng cường tính linh hoạt về tinh thần và khả năng thích ứng.
Một lúc nào đó cuộc khủng hoảng sẽ bị khuất phục, thực tế ấy đem lại cho ta cảm giác đã cùng nhau đạt được mục đích, cảm xúc đó có thể lôi chúng ta ra khỏi tình trạng thụ động và động viên ta hãy cùng nhau tiến đến nhiều thử thách lớn hơn”.
ANDY IP THIÊN
Sinh ra ở Sài Gòn, định cư ở Hồng Kông, học ngành truyền thông và báo chí ở Đài Loan, hiện tại anh đang “tắc” ở Sài Gòn từ mùa Covid đầu tiên khi về nước thăm gia đình. Andy IP Thiên là phóng viên ảnh của nhiều hãng thông tấn và tờ báo trong, ngoài nước như South China Morning Post, The Taiwan News, VnExpress, Vietnamnet…
Việt Nam đến nay vẫn là một trong những quốc gia có số bệnh nhân và số người tử vong vì dịch bệnh thấp trên thế giới. Nhưng những làn sóng dịch bệnh liên tiếp bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của đất nước và đặc biệt là sinh kế của từng người dân. Hơn hai tháng qua, khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 với biến thể virus mới gây lây nhiễm trên diện rộng, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn đầy âu lo và căng thẳng mới khi nhiều thành phố lớn phải chịu phong tỏa hay giãn cách xã hội dài ngày.
Trong hơn một tháng qua, Tp. HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước phải chấp hành lệnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 với con số nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hơn 14 năm sinh sống ở thành phố sôi động và dường như không ngủ này, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ nhất thành phố đang trọng thương với một sự u ám phiền muộn bao trùm. Những nhịp sống tất bật và rùng rùng chuyển động trước đây bỗng giống như một chiếc công tắc bị nhấn nút “off” và rơi vào trạng thái ngủ đông. Những trung tâm thương mại, nhà hàng, quán xá vốn đông đúc ở toàn thành phố đóng cửa; rạp chiếu phim, nhà hát, quán bar ngắc ngoải suốt hơn hai tháng qua; đến cả những khu chợ truyền thống, nơi cung cấp lương thực thực phẩm của cả thành phố cũng phải tạm ngưng… Dịch bệnh khiến cho hàng triệu cư dân ở thành phố đông đúc này trở nên lặng lẽ và phiền muộn, thậm chí đến những đứa trẻ ít âu lo cũng rơi vào trạng thái chán chường khi bị nhốt trong nhà suốt cả mùa hè…
Ngay cả những người lạc quan tếu nhất có lẽ cũng khó giữ được tinh thần vui vẻ trong thời điểm mà cả thành phố như ngưng đọng này. Một số bạn bè của tôi thừa nhận rằng họ rơi vào trạng thái lo âu hoặc trầm cảm do mất việc hay phải ở nhà quá lâu. Đó cũng là một căn bệnh đáng sợ trong và sau dịch bệnh mà nhiều chuyên gia và bác sĩ tâm lý đã cảnh báo.
Trong tập “How to cope” của loạt phim “Coronavirus Explained” phát trên Netflix, các chuyên gia về sức khỏe nói rằng dịch bệnh đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới rơi vào trạng thái lo sợ, căng thẳng và trầm cảm. Và những trạng thái tiêu cực về tinh thần này sẽ còn tiếp diễn rất lâu ngay cả khi đại dịch đã kết thúc – họ cảnh báo.
Nỗi sợ, lúc dịch bệnh, có một lợi thế quan trọng là giúp chúng ta tồn tại và tuân thủ các quy tắc cách ly cộng đồng.
Nhưng về lâu dài, nó gây ra những hệ lụy ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và não bộ, gây ra những tác động kéo dài trên tinh thần và thể chất.
Vì vậy mà một số chuyên gia tâm lý cho rằng, chúng ta nên kiểm soát cảm xúc để khôi phục lại sự cân bằng cho não bộ. Cân bằng cảm xúc, tập thiền, hít thở sâu và hạn chế đọc những tin tức gây lo sợ, hoang mang là những cách tốt nhất giúp chúng ta tránh được sự lo lắng hay muộn phiền.
Việc duy nhất mà chúng ta nên làm lúc này là chờ đợi và tin tưởng vào những tia sáng cuối đường hầm, tin tưởng vào những ánh cầu vồng mọc lên sau mưa. Tin vào những điều bình thường mới sẽ xuất hiện, như cách người Mỹ đang tận hưởng điều đó sau những mất mát to lớn mà họ phải gánh chịu vì đại dịch.
Bởi đó là cách tốt nhất giúp chúng ta đối phó với dịch bệnh trong tình thế không thể làm gì để thay đổi được nó.
Và tôi muốn mượn lời của tác giả Matt Haig trong cuốn sách best-seller của anh – “Reasons to stay alive” – để kết thúc bài viết này:
“Hãy nhớ rằng điều quan trọng của cuộc sống trên trái đất này là sự thay đổi. Xe ô tô rồi sẽ rỉ sét. Giấy sẽ ố vàng. Công nghệ sẽ trở nên lỗi thời. Sâu biến thành bướm. Hết đêm đến ngày. Trầm cảm (hay căng thẳng) rồi sẽ biến mất”.
Cầu vồng rồi sẽ xuất hiện sau cơn mưa. Và những điều bình thường mới sẽ chờ ta!
Ành: Andy IP Thiên
The post Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ mình sẽ làm gì khi đại dịch kết thúc? appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét