Trở về Việt Nam sau khoảng thời gian học tập tại trường Parsons The New School for Design (New York), Tom Trandt mang nhiệt huyết của một nhà thiết kế trẻ cùng lý tưởng phát triển bền vững để mở ra một hành trình sáng tạo của riêng mình với thương hiệu thời trang Môi Điên. Không chỉ hướng đến triết lý bền vững, Tom Trandt còn khéo léo đưa hình ảnh con người và đất nước Việt Nam một cách chân thực vào các thiết kế trang phục đầy cá tính, gai góc và có phần bất cần, thể hiện ý chí kiên định, tinh thần mạnh mẽ, sự hồi sinh… vốn ít khi được nhắc đến trong thời trang.
Chào Tom Trandt! Anh từng chia sẻ muốn thế giới biết đến văn hóa Việt Nam thông qua thời trang, vậy tại sao anh lại chọn thời trang bền vững để thực hiện tham vọng đó của mình mà không phải là hướng thiết kế nào khác?
Như mọi người cũng đã biết thì thời trang bền vững là xu hướng chung của thế giới. Đây là cách tiếp cận hiện đại hơn ở cả góc độ thiết kế và quản lý một ngành công nghiệp lâu đời. Nhìn chung, NTK độc lập nào cũng có thể theo đuổi xu hướng này bất kể gu thẩm mỹ ra sao đi chăng nữa.
Không dùng hình ảnh biểu tượng, chi tiết đính kết hay chất liệu văn hóa đặc thù, yếu tố nào mang tính Việt Nam trong các sáng tạo của Môi Điên?
Đó là phong cách sống được thể hiện rõ qua cách phối trang phục nhiều lớp lang, có chút bất cần! Nhiều trang phục truyền thống xưa nay giữa nam và nữ của chúng ta không khác nhau nhiều nhưng do người mặc mà toát lên vẻ nam tính hoặc nữ tính. Chính vì thế, tôi đặc biệt quan tâm yếu tố unisex trong các thiết kế của mình. Về xử lý chất liệu, tôi vẫn theo tinh thần có gì dùng nấy, nhưng cũng cố gắng cho mỗi BST được như một mâm cơm trọn vẹn, có chút rau, chút thịt, nhấn nhá thêm một chút nước chấm. Đa dạng nhưng cần vừa phải thôi!
Nhắc đến thời trang bền vững người ta sẽ nghĩ ngay đến việc làm thế nào để bảo vệ môi trường, nhưng theo anh, “bền vững” còn những tiềm năng hay ý nghĩa nào khác?
Bền vững đối với tôi là kinh doanh, là thiết kế một cách có đạo đức để có thể tiếp tục những gì mình làm đều đặn cùng lúc nhưng song song đó có thể hạn chế tối đa việc tác động xấu tới tài nguyên, nguồn nhân lực, môi trường sống của những người liên quan.
Đồ sử dụng chất liệu vải tái chế hay thân thiện với môi trường thường “đội” giá khá cao khi bán ra thị trường, trong khi Việt Nam là thị trường chủ yếu tiêu thụ thời trang nhanh giá rẻ hơn, anh nghĩ sao về điều này?
Thời trang bền vững ở nước ta đang ở giai đoạn phổ cập, đa số các NTK vẫn còn đang mày mò và tìm ra một công thức riêng cho mình. Bên cạnh đó, tính chất của các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng như nhà xưởng, nhuộm dệt cũng bị chia thành 2 thái cực, hoặc quy mô rất lớn thì quá tầm của các NTK trẻ, hoặc quy mô nhỏ thì gặp nhiều thử thách trong việc hợp tác thử nghiệm những kỹ thuật mới. Chắc sẽ cần thời gian để cộng đồng cùng phát triển. 5 năm qua, tôi cũng cố gắng kiên định trong thị trường phát triển thần tốc này.
Trước bài toán khó khăn về giá cả, anh có thể chia sẻ thêm về cách thức làm giá của Môi Điên để vừa đáp ứng thị trường vừa cân đối chi phí hoạt động kinh doanh? Chi phí nào được Môi Điên đầu tư mạnh nhất?
Chi phí sản xuất tại Môi Điên hiện là nặng nhất. Để có một mức giá hợp lý, tôi đã áp dụng công thức của Hiệp hội Thời trang Anh. Cho đến hiện tại, các sản phẩm của tôi được định giá rất hợp lý, kể cả một bạn học sinh nếu rất thích chúng cũng có thể mua được bằng cách tiết kiệm trong thời gian ngắn.
Nếu có thể gói gọn trong 3 từ, anh có thể miêu tả phong cách thiết kế của mình tại Môi Điên là gì?
Thật ra, tôi không dựa vào từ khóa nào để giám sát công đoạn thiết kế đâu mà giữa đội ngũ của Môi Điên có một sự ngầm hiểu dựa vào một nền tảng triết lý được xây dựng và củng cố. Thứ nhất, thứ gì không cần ở đó thì tôi sẽ không đặt nó vào đó. Thứ hai, những trang phục tôi thiết kế dành cho những người đã biết mình là ai nên các chi tiết phải luôn được tinh chỉnh qua thời gian, vì họ thường là những khách hàng khó tính. Thứ ba, tôi phải trung thành với căn tính của mình, không thể thay đổi bản thân vì những lời bàn tán.
Anh có thể mô tả hình ảnh khách hàng của Môi Điên là những người như thế nào?
Sau nhiều năm làm việc, nhận sự tư vấn của các chuyên gia và lắng nghe cộng đồng, khách hàng của Môi Điên vẫn mãi ở tuổi 28. Ở độ tuổi này, họ vẫn có chút trẻ con, vừa là thanh niên, lại vừa là người lớn. Họ hiểu rõ bản thân mình nhất và cũng đã có nhiều chuyến phiêu lưu thú vị. Để rồi từ đó, họ có một cái nhìn cởi mở hơn và thử những điều mới lạ.
Việc lựa chọn phong cách thiết kế cá tính mà không chạy theo bất kỳ xu hướng thức thời nào của Môi Điên liệu bước đi này có quá mạo hiểm tại thị trường Việt Nam khi mà khách hàng, đặc biệt là Gen Z, rất nhạy bén với xu hướng mới?
Hiểu bản thân giúp tôi xây dựng được bản sắc riêng trong nền thời trang. Tôn trọng và đề cao những giá trị khác ngoài doanh thu và lợi nhuận giúp tôi giữ được bản sắc đó. Việc có một nền tảng vững chắc phần nào củng cố thêm lòng tin của tôi về con đường dài phía trước.
Anh đã xây dựng Môi Điên như thế nào? Có sự đồng hành của cộng sự nào không?
Sản phẩm của Môi Điên từ xưa tới nay là thành quả sáng tạo của một tập thể. Mọi công đoạn từ thiết kế tới sản xuất và tiếp thị đều phải trải qua các bước nghiên cứu, thử nghiệm và phản biện kỹ lưỡng. Môi Điên vẫn có thể phát triển mà không cần có Tom Trandt!
Để hoàn thiện một BST hoàn chỉnh và giới thiệu cho giới mộ điệu, quy trình đó diễn ra như thế nào?
Thông thường, mỗi BST được Môi Điên phát triển trong vòng 6 tháng với tất cả các bước căn bản, từ nghiên cứu tới thử nghiệm, tạo mẫu, viết quy trình sản xuất. Theo đó thì mỗi năm sẽ ra mắt 2 BST vào tầm tháng 2 và tháng 9. Từ 2022, sau BST số 10, Môi Điên sẽ cho ra mắt các BST thường xuyên hơn.
Nhà thiết kế nào ảnh hưởng lớn đến anh?
Trong 5 năm qua, tôi rất ít xem các show diễn thời trang vì sợ bị ảnh hưởng. Khi nào thực sự tự tin về quy trình thiết kế chặt chẽ của công ty, tôi chắc chắn sẽ xem nhiều hơn. Có lẽ, NTK ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất là Ralph Lauren, vì khi còn là sinh viên tôi đã dành dụm để mua một chiếc áo khoác của ông và nó đã đồng hành cùng tôi qua nhiều sự kiện quan trọng suốt khoảng thời gian đó.
Thiết kế đồ nào có thể xem là signature của NTK Tom Trandt?
Những thiết kế mang đậm dấu ấn của tôi là những thiết kế chưa hoàn thành một cách có chủ ý, tức là những chi tiết còn “sống”, chưa “chín” hẳn! Luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển là cách mà tôi nhìn nhận bản thân và muốn thế giới nhìn nhận về tôi.
Anh có thể chia sẻ thêm về những dự định sắp tới của anh?
Tôi sẽ để cho cơ hội dẫn dắt (cười).
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
The post NTK Tom Trandt: “Có gì dùng nấy, tôi vẫn cố gắng làm mỗi BST được như một mâm cơm trọn vẹn” appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét