Chúng ta có thể đọc bao nhiêu quyển sách trong đời? Tôi đã tính thử, nếu một người đọc sách từ năm 15 tuổi đến năm 75 tuổi, mỗi tuần xong 1 quyển, thì cả cuộc đời, người đó đọc được 3.120 quyển. Trong trường hợp của tôi, số sách còn có thể đọc trong đời là 2.236 quyển. Bỗng muốn mình sống bất tử để được đọc nhiều hơn thế nữa. Và vì không thể, nên tôi quyết chọn từng quyển trong số sách hữu hạn mình có thể thưởng thức.
Thế nhưng, cũng có những người cả đời không đọc sách. Có người nói với tôi họ chỉ thích xem phim, chứ đọc mươi trang sách là chóng mặt. Như vậy cũng chẳng sao, nhà phê bình văn học Harold Bloom đã viết đại ý rằng hãy xem đọc sách là một công việc cá nhân, hơn là vì những mục tiêu cao xa như để cải thiện hàng xóm, cứu trợ cộng đồng (trong bài viết “How to read and why”). Thế nghĩa là chúng ta có thể xem đọc sách như một thú vui ích kỷ của riêng mình, và cũng chẳng hại gì khi người khác chẳng có cùng sở thích. Thế nhưng, tôi vẫn có chút khó xử, khi thi thoảng lại có ai đó tỏ bày sự khâm phục, tò mò rằng bí quyết nào khiến tôi trở thành một người đọc “chuyên nghiệp”. Cũng chẳng còn cách nào khác, tôi xin kể lại một ít chuyện vụn vặt đã trở thành động lực để tôi đọc nhiều.
Mâu thuẫn nội tại lớn nhất của tôi trong giai đoạn 20-25 tuổi là “rốt cuộc thì mục đích của cuộc sống là gì?”. Có phải là liên tục giải quyết những vấn đề quá sức mình? Ví dụ như lúc biết yêu lần đầu, ta nào biết gì về cái gọi là “Đạo hẹn hò” hay “Thuật yêu đương”. Lần đầu đau đớn bởi tình yêu, ta đâu biết làm cách nào để “Phục hồi cảm xúc hậu thất tình” hay “Chữa lành đứa trẻ bên trong”. Giai đoạn mới đi làm và bị chứng rối loạn lo âu khi gặp cấp trên, ta dĩ nhiên chưa biết cái gì gọi là “Dẫn dắt sếp” hay “Làm ít, được nhiều”. Lúc nợ nần đầm đìa, ta nào biết gì về cái gọi là “Quản lý tài chính cá nhân”. Nhìn ở một góc độ nào đó, tuổi trẻ của chúng ta chẳng phải là mỗi ngày đều lao đầu vào thất bại, chông gai đó sao. Sai rồi mới học cách sửa. Bị té ngã, thương tích đầy mình, dần mất đi gai nhọn… là quy luật cơ bản của mọi sự học hỏi. Nghĩa là không thể sống mà không đau đớn. Nhưng hình như bản chất con người nhìn chung đều lánh nặng tìm nhẹ, yêu khoái lạc, sợ đau thương. Cái gì không giết được ta thì cũng làm ta… nhập viện. Cũng vì vậy mà càng sống, chúng ta càng dễ rơi vào hai thái cực: hoặc dần dần nản lòng, buông xuôi, sống cho qua ngày; hoặc ngày càng lão luyện, cay nghiệt, toan tính.
Nhưng cũng có con đường thứ 3, là con đường tôi muốn đi và đã tìm được cách đi. Đó là chia nhỏ những bài học cuộc sống ra, để chuẩn bị tốt hơn và ít đau thương hơn. Thay vì không lường trước bất trắc, để rồi hễ té ngã là không cách nào vực dậy – thì ta có thể chủ động thực hiện những thử thách mỗi ngày, chịu những cơn đau vừa phải như kiểu đau cơ lúc tập gym, để rồi mạnh mẽ lên từng ngày, và khi thử thách tới, ta đủ sức khiêu vũ cùng cơn bão.
Con đường thứ 3 thực ra chẳng có gì xa lạ. Đó là con đường đọc sách. Đúng hơn là học bằng cách đọc sách. Mỗi khi đối diện với một vấn đề khó khăn, tôi lại tìm được một quyển sách có trong đó lời gợi ý. Đừng hiểu lầm rằng trong sách có lời giải cho mọi thứ, bởi suy cho cùng, “mọi ý tưởng chỉ là một lời cầu hôn, nói đồng ý hay không là do chính mỗi người” (tác giả Nhật Chiêu). Nhưng sách cho ta kiến thức để thấu hiểu vấn đề, vạch ra bức tranh toàn cảnh, để ta thấy những góc nhìn mà trước đó chưa biết, an ủi ta rằng ta không đơn độc trong trải nghiệm khó khăn này. Và từ những lời cầu hôn phóng khoáng ấy, tôi có được chọn lựa rộng rãi hơn cho vấn đề của mình.
Khi gặp khó khăn trong đời, bạn hãy chọn ra 3 từ khóa miêu tả vấn đề của mình rõ nhất, và tìm 3 quyển sách được đánh giá cao nhất về đề tài đó. Tôi tin rằng đọc xong 3 quyển sách, chặng đường tăm tối phía trước sẽ sáng tỏ ra nhiều.
Như cái điện thoại 1% pin cần được sạc ngay kẻo tắt nguồn, tôi đọc sách mỗi ngày để nạp lại năng lượng cho mình. Nhà Phật dạy rằng có 4 loại thức ăn, trong đó “đoàn thực” là thức ăn đi vào miệng; “xúc thực” là những gì được nạp vào qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; “tư niệm thực” là những mong muốn trong đời; và “thức thực” – tâm thức được xây dựng nên bởi chính ta và cộng đồng. Như vậy, khi đọc sách, tiếp thu những tư tưởng, kiến giải của sách, là ta đang “ăn” xúc thực và một phần nào đó ảnh hưởng đến tư niệm thực, thức thực của mình.
Nếu chọn đúng sách, cũng như chọn đúng thức ăn sẽ nuôi dưỡng chính mình ngày càng khỏe mạnh, trưởng thành, trong sạch. Ngược lại, chọn những quyển sách vô thưởng vô phạt hay có những tư tưởng đen tối thì con người cũng bị “nặng bụng khó tiêu” hoặc tích lũy độc tố trong tâm hồn. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể nghĩ “vậy tôi xem phim, nghe nhạc thì sao?”. Đúng, đó cũng là “ăn”, và cũng có cùng quy luật như đọc sách. Bạn nghe một bản nhạc buồn, tâm trạng sẽ buồn thương theo. Xem một bộ phim đầy “drama” sẽ thật khó để giữ tâm bình thản. Và hãy nhớ rằng phim ảnh, âm nhạc được thiết kế để đánh vào cảm xúc, phù hợp với sự tiếp thu thụ động. Vậy nên tôi xin được đưa ra ý kiến cá nhân rằng: nếu muốn nuôi dưỡng tâm, trí thì sách là nguồn năng lượng có phần phù hợp hơn.
Một lý do nữa khiến khi đọc sách bạn thấy “khỏe” hơn là vì quá trình tập trung, tiếp thu chủ động sẽ tác động đến não bộ, mang đến một cảm giác thăng hoa nhẹ nhàng như tìm được dòng chảy. Không tin thì cứ thử ngay: chọn một quyển sách chất lượng, tìm một không gian không ai làm phiền trong 30 phút, tập trung không xao nhãng, tận hưởng nó như thể tác giả đang kể bên tai. Sau 30 phút, bạn sẽ thấy mức năng lượng của mình tăng lên đáng kể!
Nếu Lev Tolstoy không viết “Anna Karenina” thì sao? Trong mắt nhân thế lúc ấy, sẽ chẳng ai hiểu nổi vì sao một người đàn bà ngoại tình. Cô ta hẳn là có đạo đức suy đồi, là một người đáng khinh bỉ và cần bị quét khỏi xã hội, như rác thải. Nhưng vì ông đã viết, nên Anna có một cuộc đời. Cô là con người bằng xương bằng thịt, có nghĩ suy và tâm hồn, trái tim và bản ngã như bất kỳ ai trong chúng ta. Ta có thể lý giải cho hoàn cảnh của Anna, để cảm thông và rút ra điều gì đó cho mình. Như vậy, đọc “Anna Karenina” cho ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, hiểu cho họ, nhờ vậy hiểu chính mình. Và có lẽ, những quyển sách kinh điển trên thế giới đều được viết ra với mục đích ấy: để hiểu mình, hiểu người, để chung sống cùng nhau.
Mỗi khi đứng trước một quyển sách (có thể rất dày và khó đọc), tôi tự nhủ, mình đang được sống nhiều hơn cuộc đời của chính mình. Thế rồi, tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu.
Marie Kondo – “thánh nữ dọn nhà” người Nhật nói rằng: “Đối với sách, đúng lúc nghĩa là tất cả”. Có lẽ cô cũng có chút ảnh hưởng bởi triết lý Ikigai Ichie (nhất kỳ nhất hội) của người dân xứ hoa anh đào: mỗi gặp gỡ đều là đúng lúc và duy nhất, thế nên ta cần trân trọng khoảnh khắc kỳ ngộ ấy. Gặp gỡ người hay gặp gỡ một quyển sách cũng vậy.
Thích một quyển sách cũng là một tình cờ. Nhà văn viết xong tác phẩm của mình, thế là đã xong phần của họ. Phần còn lại là của người đọc. Một tác phẩm xuất sắc cũng trở nên khó hiểu, nhạt nhòa nếu gặp một người đọc không-đúng-lúc. Bao nhiêu tác phẩm bị lãng quên tới tận khi tác giả của nó mục rữa dưới mồ. Và bao nhiêu quyển sách còn nằm chờ trên kệ, chưa được mở ra, trở thành nhân chứng thinh lặng của thời gian. Tất cả, đều gói trong một chữ “duyên”.
Nếu bạn tình cờ muốn đọc một quyển sách nào đó, hãy đọc ngay đi đừng chờ đợi. Và khi chưa sẵn sàng cho một quyển sách dù nó được vạn người mê, thì không cần ép buộc mình. Bởi không ai có thể bắt bạn yêu một quyển sách, hay cảm thấy lâng lâng khi đọc, hay mỉm cười khi biết mình sắp được về nhà với quyển sách còn chờ, hay thức dậy vào buổi sáng và nghĩ ngay về quyển sách dở dang của mình…
The post Đọc sách là một riêng tư appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/2YzRxtG
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét