Điện ảnh có giới hạn không? Tôi nhớ có lần xem một bộ phim tài liệu mang tên “Đây không phải một bộ phim” của đạo diễn người Iran Jafar Panahi, quay một phần bằng iPhone. Cả phim chỉ mô tả cuộc sống thường nhật của chính Panahi khi ông bị quản thúc tại gia, ông đi lại, nói chuyện, rồi nghĩ về việc làm phim. Một bộ phim tự khước từ việc mình là một bộ phim như thế khiến người ta tin rằng điện ảnh không có, và cũng không nên có giới hạn.
Mở rộng ra, giới hạn đó không chỉ là giới hạn về cách làm phim điện ảnh, mà có lẽ, cả giới hạn về “tiểu sử” hay nguồn gốc của một bộ phim điện ảnh. Gần đây đã có nhiều tranh cãi nổ ra quanh việc web drama – thể loại vốn luôn được xếp ở chiếu dưới so với điện ảnh – lại được chuyển thể thành phim điện ảnh. Trước khi nhìn sâu hơn vào câu chuyện web drama ở Việt Nam, ta hãy thử nhìn cách mà điện ảnh thế giới đã dung nạp những yếu tố mới mẻ trong suốt chiều dài lịch sử của nó.
Có vùng cấm nào cho điện ảnh?
Nếu hâm mộ nền văn hóa đại chúng thập niên 60-70, bạn nhất định sẽ biết nhóm hài kịch Monty Python. Họ là nguồn cảm hứng bất tận của những danh hài sau này như “Mr. Bean” Rowan Atkinson, Jim Carrey, Seth Meyers, Mike Myers… Thậm chí trong từ điển Oxford còn có từ “pythonesque” để chỉ phong cách hài hước quái đản của họ.
Những bộ phim hài xuất sắc nhất của Monty Python châm biếm không tha một ai, kể cả Chúa Trời, như “Monty Python và chén Thánh” (1975) hay “Cuộc đời của Brian” (1979). Gần như chẳng có một danh sách phim điện ảnh hài vĩ đại nào không liệt kê hai tác phẩm ấy. Trước khi chơi với điện ảnh, chương trình hài kịch của Monty Python vốn dĩ là nội dung dài tập được trình chiếu thành nhiều mùa trên đài BBC, ròng rã suốt từ 1969-1974. Nhưng từ một chương trình truyền hình hay tới một bộ phim điện ảnh lớn là một quãng đường dài vô kể. Khi làm “Monty Python và chén Thánh”, họ còn không xin nổi kinh phí từ các xưởng phim, phải quay sang xin các… ban nhạc rock nổi tiếng khi ấy là Pink Floyd, Led Zeppelin, mỗi người một ít, coi như giúp những nghệ sĩ này… trốn thuế luôn. Họ xin cả Elton John nhưng ông ấy không cho.
Truyền hình khi ấy cũng như web drama ngày nay vậy, thường bị xếp sau điện ảnh về mặt kỹ nghệ làm phim, nhưng rõ ràng là, điện ảnh đã có thể chấp nhận truyền hình như một người bạn đường.
Trường hợp kiểu Monty Python cũng không hiếm hoi gì. Thậm chí, rất nhiều những phim điện ảnh vĩ đại từng được làm ra với mục đích đầu tiên là để chiếu trên tivi. Hãy thử nhìn lại vòng đời của “Fanny and Alexander” (1982), một tác phẩm của đạo diễn thiên tài Ingmar Bergman. Phim này được làm với mục đích trở thành một miniseries chiếu trên truyền hình, và thực tế nó đã được phát sóng thành nhiều tập, tổng cộng dài 312 phút, trên một kênh phim truyện của Thụy Điển. Chỉ sau khi đã hoàn tất phiên bản đó, Bergman và các cộng sự mới chỉnh sửa và cắt ngắn lại thành một tác phẩm điện ảnh dài 188 phút, đưa nó tới giải thưởng Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và sau nhiều năm vẫn đứng vững trong hàng ngũ những kiệt tác xi-nê.
Phim điện ảnh từ web drama, dễ dãi hay xu hướng tất yếu?
Giờ thì hãy quay lại câu chuyện ở Việt Nam. Sự bùng nổ của web drama những năm gần đây là không thể chối cãi, khi mỗi tập đều thu hút hàng chục triệu lượt xem và thường lọt top thịnh hành trên YouTube. Những cái tên nổi bật nhất là “Nam Phi liên hoàn kế” của Nam Thư, “Ai chết giơ tay” của Huỳnh Lập, “Thập tam muội” của Thu Trang – Tiến Luật, “Tay buôn, buông tay” của Võ Đăng Khoa…
Dù được đại chúng yêu thích, chúng vẫn gây tranh cãi lớn về mặt chất lượng, thậm chí chỉ ở yên trên mạng thôi cũng bị chê là dễ dãi chứ đừng nói đến chuyện chuyển thể lên màn ảnh rộng. Với những kiệt tác khiến người người gật gù tán thưởng và quên bẵng tất cả những tiêu chuẩn chính tắc như phim của Monty Python và Ingmar Bergman, thì nói gì chẳng được. Nhưng với chất lượng của những bộ web drama ở Việt Nam hiện nay, thì có thể nào điện ảnh sẽ ngăn ra một vùng cấm, không cho phép chúng bước vào?
Những lo lắng của khán giả rằng việc chuyển thể web drama thành phim điện ảnh là một trào lưu dễ dãi, tranh thủ, chộp giật kiếm tiền, và những sản phẩm làm ra không đủ tư cách để được gọi là điện ảnh, là những lo lắng hết sức chính đáng. Khán giả Việt đã ngán ngẩm với những tác phẩm không biết làm ra để làm gì, và họ có quyền không thông cảm.
Mặc dù thế, trong bối cảnh phần lớn phim Việt ra rạp đều lỗ, thì chiến lược phát triển từ web drama để có một lượng người hâm mộ ổn định trước khi tiến vào thị trường điện ảnh cũng có thể được nhìn nhận là một chiến lược khôn ngoan, biết tự lượng sức mình.
Để điện ảnh phát triển tự do
Điện ảnh là một môn nghệ thuật non trẻ nhưng tốc độ tiến hóa thì nhanh khủng khiếp. Sự thay đổi chóng mặt trong bao năm qua từ phim câm thành phim tiếng, từ phim đen trắng thành phim màu, từ phim nhựa 35mm thành phim kỹ thuật số là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nó còn thay đổi và sẽ mãi tiếp tục thay đổi. Nói cho cùng, sức sống mãnh liệt của điện ảnh một phần có được bởi nó luôn biết cách hòa nhập thay vì tự cô lập mình trước dòng chảy mới của truyền thông và công nghệ.
Chẳng hạn những năm 1960, khi giá tivi màu hạ, truyền hình sinh sôi nảy nở có thời đã lấn át niềm hứng thú của khán giả với phim đen trắng. Nhưng thay vì chống lại những ảnh hưởng của truyền hình, các nhà làm phim Hollywood đã đồng loạt chuyển sang làm phim màu.
Hay ở thời điểm hiện tại, sự thịnh hành của Netflix lại một lần nữa khiến người ta chất vấn về biên giới của điện ảnh – điều mà không lâu trước đó, Steven Spielberg hay Christopher Nolan từng phản đối mạnh mẽ. Netflix thực chất cũng là một hình thức phim chiếu mạng, dù thuộc hàng cao cấp. Liệu bạn có thể nói rằng “Roma” – một bộ phim gần như chỉ được chiếu lấy lệ trên màn ảnh rộng và được làm hoàn toàn để bạn xem qua mạng Internet – không phải là một trải nghiệm điện ảnh đích thực? Chúng ta không thể so sánh trình độ làm phim của Netflix với trình độ làm phim chiếu mạng ở Việt Nam, nhưng đó là ví dụ để thấy rằng, vốn dĩ điện ảnh vẫn luôn tạo cơ hội cho tất cả.
Vậy thì có nên vội vã ngáng trở một trào lưu làm phim, trong khi biết đâu nó chính là động lực để nền sản xuất điện ảnh phấn đấu và thay đổi? “Chị Mười Ba” (chuyển thể từ “Thập tam muội”) dù có ngô nghê thì cũng đã mở đường cho một cách làm phim thu được lợi nhuận trong một thị trường điện ảnh gần như đa số phim ra rạp đều không hòa vốn nổi.
Điện ảnh rất lạ kỳ, nó chẳng chối từ điều gì tạo ra lịch sử. Lịch sử của nó có cả vinh quang và thất bại, và trong đó, thảm họa cũng là một phần. Người ta biết đến “The man who killed Don Quixote” vì nó là một trong những ví dụ tuyệt vời nhất cho quá trình sản xuất thảm hại. Người ta từng cười thối mũi “The room” vì sự tồi tệ không thể cứu vớt được của nó, và cũng chính sự tệ hại ấy biến nó thành một biểu tượng, một huyền thoại về… cái dở. Âu cũng là một kiểu huyền thoại.
Dù sao đi nữa, trước khi muốn làm một bộ phim hay, người ta phải bắt đầu từ việc làm phim cái đã.
The post Giới hạn của điện ảnh appeared first on Tạp chí Đẹp.
Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét