Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Tùng John – Mỹ Trang: Tình yêu chắp cánh từ The Beatles

Một đàn anh trong cộng đồng người yêu nhạc The Beatles tại Việt Nam đã gọi Tùng John – Mỹ Trang là một biểu tượng về tình yêu với âm nhạc The Beatles. Bằng tình yêu của mình với nhau và với âm nhạc, họ đã kết nối nhiều thế hệ người yêu ban nhạc huyền thoại này thành một ngôi nhà chung với những tình cảm trong sáng đầy nồng ấm.

Các cựu thành viên ban nhạc Desire

Thập niên 60 của thế kỷ 20, giới yêu nhạc toàn cầu chứng kiến sự ra đời và “thay đổi thế giới” của một ban nhạc đến từ thành phố Liverpool nước Anh với 4 chàng trai: John Lennon – Paul McCartney – George Harrison – Ringo Starr. Hơn 30 năm sau, cộng đồng người yêu nhạc ở Việt Nam đã có một cặp đôi sinh ra trong tình yêu chung với âm nhạc The Beatles. 30 năm tiếp theo, họ đang chuẩn bị tạo nên giấc mơ với âm nhạc The Beatles, hy vọng tạo ra một “ngày giỗ” nhiều ý nghĩa nhất cho vị thủ lĩnh ban nhạc – John Lennon vào tháng 12 tới. Hai con người đó là Tùng John (Nguyễn Thanh Tùng) và Mỹ Trang.

Tùng John – giọng ca chính trong ban nhạc sinh viên Desire nổi tiếng khắp thủ đô những năm 1990. Nghệ danh của anh được lấy theo tên của thủ lĩnh The Beatles. Dù chỉ hoạt động trong một ban nhạc không chuyên với các thành viên Anh Tuấn (MC Anh Tuấn), Long Vũ (MC Long Vũ) và Bùi Quang Huy, nhưng Desire đã tạo ra dư chấn mạnh mẽ của thế hệ người trẻ sinh năm 1970 – 1975 ở Hà Nội với nhiều đêm nhạc thu hút hàng chục ngàn khán giả cùng những buổi dạ hội sinh viên bắt buộc phải tắt điện giữa chừng vì sức nóng của những bản cover The Beatles.

Anh gặp chị Mỹ Trang, một người yêu The Beatles nguyên bản, từng nghĩ bản thân không thể yêu những “phiên bản fake”. Tình yêu của Tùng John với The Beatles đã thay đổi hoàn toàn sự cứng nhắc trong chị, khiến anh có được một nửa đáng trân trọng để cùng mình xây lên giấc mơ hoang đường – tạo ra một “bảo tàng ngây thơ” lưu giữ mãi những cảm xúc thanh xuân cùng âm nhạc The Beatles. Cùng nhau, họ lên ý tưởng về đêm nhạc The Beatles Symphony sẽ diễn ra vào hai đêm 5-6/12 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tùng John: Âm nhạc The Beatles đã trở thành máu thịt của tôi

Anh tìm thấy điều gì ở tình yêu với John nói riêng và The Beatles nói chung?

Tôi quan tâm tới sản phẩm của The Beatles hơn đời sống riêng tư của mỗi thành viên, chưa bao giờ tôi có ý định thần thánh hóa tình yêu với họ. Tôi chỉ luôn suy ngẫm về sự sống qua các tác phẩm họ viết và thấy giai điệu của từng bản nhạc đã nói hộ quá nhiều cảm xúc trong lòng mình. Ngày bắt đầu nghe The Beatles, tôi không giỏi tiếng Anh nên sau này khi tìm hiểu được nhiều thông tin hơn về họ, về các bài hát, mới biết có điều mình cảm nhận đúng, có điều hoàn toàn sai. Nhưng tôi nhận ra, cuối cùng, người ta chỉ cần điều gì đó truyền cảm hứng. Và một bài hát thực sự có ý nghĩa là khi nó có cuộc sống riêng trong trái tim mỗi người nghe. Bằng cách yêu như thế, âm nhạc The Beatles đã trở thành máu thịt của mình.

Lấy nghệ danh từ John, anh thích điều gì ở huyền thoại âm nhạc này?

Tên gọi Tùng John không phải do tôi tự nhận mà là do mọi người cứ gọi tôi như vậy.

Nếu hỏi tôi thích gì ở John thì thật khó trả lời, vì tôi chưa nghiên cứu kỹ về con người và tư tưởng của anh ấy. Tôi chỉ thấy John đến với âm nhạc một cách tự nhiên và tình yêu của John với cuộc sống rất lớn lao. Âm nhạc là công cụ để John giãi bày tình yêu. John chưa bao giờ nặng nề trong việc tạo ra những giai điệu đẹp hoặc để chiều lòng tai nghe của mọi người. Anh ấy luôn được là chính mình.

Tôi đến với The Beatles thông qua cảm giác về âm nhạc một cách rất cá nhân. Chẳng hạn khi nghe “The long and winding road”, tôi nghĩ đến những con đường tuyết dài cứ đi hoài không hết của nước Nga. Hay chỉ nghe vài câu nhạc dạo đầu của “Matchbox”, tôi thấy ngay một ngọn lửa, mãi sau này mới hiểu được lời bài hát. Càng hiểu nhiều hơn, càng yêu nó nhiều hơn. Tình yêu ấy không bị cũ đi theo thời gian.

Ngày nay, nhiều người đi tìm công thức tạo ra âm nhạc của The Beatles, nhưng có lẽ sẽ không ai tìm ra được. Ngoài việc hát lên những thứ rất thực về cuộc đời, âm nhạc The Beatles còn chứa đựng tính triết lý và học thuật cực kỳ cao. Đó là thứ tạo ra chất gây nghiện của họ.

Là người khuấy đảo những đêm nhạc ở thủ đô trong thập niên 90, có kỷ niệm nào anh mãi chưa quên?

Có nhiều lắm, nhưng đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của John, ngày 8/12/1993 tại Trung tâm Phương pháp CLB Trung ương số 16 Lý Thái Tổ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tất cả chúng tôi. Chúng tôi hát đến giữa chừng thì bị cắt điện, cũng vì khán giả kéo đến quá đông. Tôi cũng không nhớ mình đã thoát ra khỏi đó bằng cách nào. Đám đông khán giả đã trèo lên sân khấu và tháo banner hình vẽ John Lennon. Họ tụ lại thành nhóm lớn, vừa diễu hành vừa giơ cao tấm hình John quanh hồ Hoàn Kiếm. Vì quá phấn khích, Việt Tú (đạo diễn Việt Tú – PV) và một số khán giả cuồng nhiệt khác đã đốt tấm banner và bị đưa vào đồn công an quận Hoàn Kiếm. Ngày hôm sau, chúng tôi phải lên bảo lãnh các anh em về.

Sau đó, tháng 10/1994, tại công viên Lê-nin có diễn ra một buổi hội trại dành cho học sinh sinh viên nhân dịp 40 năm Giải phóng Thủ đô. Chúng tôi cũng đã có một buổi biểu diễn ngay tại khu trại của Trường Đại học Tổng hợp. Lúc đang cao trào, ban tổ chức bắt cả band dừng lại vì sợ sẽ sập hết trại bởi lượng khán giả kéo đến mỗi lúc một đông. Nhưng khi rút lui vào hậu trường, họ lại giục chúng tôi lên hát tiếp vì sợ khán giả không chịu, sẽ quậy phá. Sau chương trình, bọn tôi phải có một đoàn hộ tống để trốn người hâm mộ.

Công việc của anh sau này có bắt nguồn từ tình yêu đặc biệt đó?

Sau khi Desire tan rã, tôi vẫn tiếp tục hát nhạc The Beatles để sinh nhai. Đến năm 2001 tôi mới chính thức dừng biểu diễn để làm những công việc khác, và sau này, lập công ty riêng. Dự án lớn đầu tiên của tôi cũng liên quan đến The Beatles.

Tới đây, anh cùng vợ mình sẽ tổ chức một đêm nhạc tưởng nhớ The Beatles trước thềm “ngày giỗ” của John Lennon. Điều này có ý nghĩa thế nào với một fan cuồng như anh?

Với chúng tôi, John hay The Beatles là người truyền cảm hứng. Trong những lúc khó khăn, chúng tôi được thỏa sức tưởng tượng về một thế giới tốt đẹp, và chúng tôi yêu thương nhau. Tình cảm đó như cội rễ gắn bó bền chặt trong cộng đồng anh em cùng chung tình yêu. Tôi nghĩ nó là một món quà trong giấc mơ, trước hết cho chính mình. Nhưng lúc này, tôi rất sợ phải nói trước về điều ấy, dù tôi đã mất hơn 1 thập kỷ để chuẩn bị cho show diễn lần này.

Về người phụ nữ cùng gìn giữ tình yêu âm nhạc The Beatles với mình, anh sẽ nói gì?

Tôi học được ở The Beatles một tinh thần sống từ sự bi quan. Khi buồn, nếu đi đến tận cùng nỗi buồn đó một cách không giấu giếm, bản thân sẽ tìm được cách hóa giải. Nên trong tình yêu vợ chồng, chúng tôi không chỉ sống thật với nhau mà còn luôn có cơ hội sống thật với cảm xúc của mình.

Mỹ Trang: Ai yêu The Beatles cũng điên cuồng như nhau!

Chị yêu anh Tùng John và The Beatles như thế nào?

Tôi bị “đốn gục” từ lúc làm MC trong một đêm nhạc của các anh ấy, dù trước đó, tôi thấy cách các anh ấy yêu thật bụi phủi. Là một người kỹ tính, tôi yêu The Beatles, nhưng không phải “bản fake” kiểu như vậy.

Trước đây, tôi tưởng anh Tùng là người yêu The Beatles nhất mà mình biết, nhưng sau này mới nhận ra có nhiều người mê The Beatles điên hơn anh. Tôi nghĩ, tình yêu của các anh ấy với âm nhạc The Beatles như một thứ tình thơ, đến giờ vẫn trong sáng, coi The Beatles như Chúa. Tình yêu ấy giúp mọi người luôn hướng thượng.

Gần đây chúng tôi có dịp tiếp xúc với một thế hệ trẻ hơn – sinh khoảng năm 2000 – và rất “choáng” vì thấy các em cũng yêu The Beatles điên cuồng. Mà không phải đâu xa, ngay con cái của chúng tôi khi được tiếp xúc với âm nhạc The Beatles đều cực kỳ yêu thích. Tôi nhận ra, ai yêu The Beatles cũng điên cuồng như nhau.

Vì có tình yêu với anh Tùng, chị mới có tình yêu với âm nhạc, hay vì tình yêu với âm nhạc, hai người yêu nhau hơn?

Điều này rất khó nói, vốn dĩ hai chuyện không thể tách rời. Nhưng nói chính xác thì, tình yêu của chúng tôi luôn có âm nhạc. Bọn tôi có một số điểm chung về gu nhạc, ngoài những thứ người này thích mà người kia không (cười).

Từ khi yêu đến lúc trở thành vợ chồng, tôi luôn đi cùng anh Tùng trong các buổi biểu diễn. Lúc có con, chúng tôi mang cả con gái đi theo. Anh hát trên sân khấu, mẹ con tôi ở dưới. Mà hai cô con gái của tôi lạ lắm, cứ nghe bố hát là ngồi yên, vừa cười, vừa ăn bột rất dễ dàng.

Tình yêu với thần tượng có khi nào trở thành rào cản trong cuộc sống?

Không đâu. Tôi chỉ thấy toàn niềm vui. Chúng tôi vui ngay cả khi thất bại, vì thất bại ấy cũng được gieo mầm từ tình yêu. Chẳng hạn, một quán cà phê nhạc hai vợ chồng tôi từng tạo dựng đầu những năm 2000, với ý tưởng trở thành một nơi vừa có thể kiếm tiền, vừa để anh Tùng có thể tiếp tục hát The Beatles. Khi nó thất bại, chúng tôi tạm gác lại giấc mơ, nhưng chưa bao giờ buồn bã.

Ảnh Lê Lai
Kiến trúc sư Trần Phương

Tôi học tiếng Nga 14 năm nên khi tiếp xúc với âm nhạc The Beatles ở tuổi 20, hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của ca từ mà chỉ tự do tưởng tượng những điều mình muốn thông qua cảm nhận về âm nhạc. Có thể đó là cách yêu khác biệt, yêu một thứ mình không nhìn thấy rõ nét. Bài hát chỉ là sợi dây neo đậu những tình cảm thật của đời mình, vì thế, những kỷ niệm với nó cứ sống mãi. Khi nghe “Mother”, tôi vẫn nhớ cảm giác lạnh hết người ngay khi chạm vào những âm thanh đầu tiên. Tôi nghĩ, nếu biết tiếng Anh, chưa chắc mình đã yêu nó như vậy.

MC Long Vũ

Điều đáng giá tôi học được từ âm nhạc The Beatles là sự lạc quan, yêu đời của những album thời kỳ đầu và sự điềm tĩnh, chừng mực của thời kỳ sau. Nó giống hệt như sự trưởng thành từ một chàng trai thành một người
đàn ông.

MC Anh Tuấn

Tôi thích Paul McCartney hơn cả, có lẽ vì tôi chơi bass. Ngày xưa khi mới nghe và tập theo các bài hát của The Beatles, nhiều khi quên hết cả phần hát hay các nhạc cụ khác vì chỉ cắm đầu nghe phần bass tuyệt vời của Paul. Nghe thì cứ tưng tưng như vậy nhưng để chơi đúng và ra chất thì cực kỳ khó. Paul cũng có những bài hát về tình yêu rất đẹp, rất đơn giản trong lời ca nhưng thấm đẫm triết lý.

Kỷ niệm khi chơi nhạc The Beatles thì nhiều, trong đó điều điên rồ nhất tôi nhận được từ khán giả là ở đêm nhạc ngày 8/12/1993 nhân kỷ niệm ngày mất của John Lennon. Có một bạn nữ lên tặng hoa nhưng hai tay tôi còn bận đánh đàn nên cô ấy đã nhét luôn hoa vào trong áo. Nhận hoa từ bạn nữ ai bảo không sướng, nhưng sau đó ngồi gỡ gai ra khỏi ngực mới thấy… đau.

THE BEATLES – CÓ MỘT TÌNH YÊU ĐIÊN CUỒNG CHÁY MÃI

Trong cuốn sách “The Beatles đã thay đổi thế giới như thế nào”, chàng trai thế hệ Z Lê Minh Tú viết: “The Beatles là âm nhạc, chính xác, nhưng cũng là đại diện cho tất cả mọi thứ khác: là văn hóa, thời trang, lịch sử, chính trị, sự thay đổi, tiến hóa, thoát ly, phá cách, tình yêu, hòa bình và hơn thế nữa”.
Cùng nghe những trái tim chưa bao giờ ngừng yêu The Beatles lên tiếng, trong một cụm bài đặc biệt chúng tôi dành để tưởng nhớ 40 năm ngày mất của John Lennon và 60 năm ra đời ban nhạc.

Đọc thêm cái bài cùng chuyên đề:The Beatles – Một tình yêu điên cuồng cháy mãi 
Tùng John – Mỹ Trang: Tình yêu chắp cánh từ The Beatles
Lê Minh Tú – Chàng trai 19 tuổi thoát khỏi căn bệnh trầm cảm nhờ âm nhạc của The Beatles
Vũ Đinh Trọng Thắng: Tình yêu với The Beatles dạy ta về lẽ sống

The post Tùng John – Mỹ Trang: Tình yêu chắp cánh từ The Beatles appeared first on Tạp chí Đẹp.


Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét