Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Mục sở thị núi lửa Kamchatka được mệnh danh là “gã khổng lồ lành tính” của Nga

Núi lửa là một hiện tượng thiên nhiên thường gắn với những thảm họa thiên tai hơn là những vẻ đẹp kỳ diệu toát ra từ nó. Tuy nhiên, hoạt động của núi lửa Kliuchevskoy trên bán đảo Kamchatka vùng Viễn Đông Nga dường như là một ngoại lệ, trong suốt lịch sử hoạt động nó chưa từng gây ra bất kỳ thảm họa nào đối với con người. Mặc dù vậy, chuyến thám hiểm núi lửa này, mà phóng viên VietnamPlus có cơ hội tham gia, không hề đơn giản và đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng.

Vẻ đẹp kỳ diệu và những thử thách lớn

Thành viên đoàn thám hiểm Magarita Ivanova chia sẻ điều thú vị nhất chuyến đi này là được quan sát ánh bình minh tinh khôi với màu hồng rực ở đường chân trời và bầu trời sao kỳ diệu của vũ trụ vào ban đêm. “Cả một dải ngân hà vô cùng lớn trùm lên núi lửa đang bốc cháy. Cảnh tượng núi lửa phun trào thật ấn tượng. Tôi sẽ rất nhớ chuyến đi đặc biệt này,” Magarita chia sẻ.

Hoạt động của núi lửa Kliuchevskoy dường như là một ngoại lệ, trong suốt lịch sử hoạt động nó chưa từng gây ra bất kỳ thảm họa nào đối với con người.

Magarita là một doanh nhân trẻ làm việc tại Moskva. Mùa Hè vừa rồi chị cũng đã đến Kamchatka, đi thăm những núi lửa của bán đảo này, cũng quan sát thấy dung nham từ núi lửa trào ra và đốt cháy cây cỏ xung quanh. Theo Magarita, vẻ đẹp kỳ vĩ của núi lửa như một chất gây nghiện đã thôi thúc chị tiếp tục quay trở lại và quyết định thực hiện chuyến thám hiểm hiếm có này.

Nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ, đồng thời là Tổng Giám đốc công ty thiết kế mỹ thuật có trụ sở tại Moskva Jonas Egor chia sẻ điều tuyệt vời nhất trong chuyến đi này là những trải nghiệm thú vị trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thời tiết rất lạnh giá, có khi nhiệt độ ban đêm xuống thấp -35 đến -40 độ C. Trong khi đó các thành viên đoàn thám hiểm lại phải ngủ trong lều tạm không thể có đầy đủ tiện nghi và ấm như trong nhà.

Núi lửa Kliuchevskoy phun trào tạo ra quầng sáng huyền ảo. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Ngoài ra, chặng đường rất rài đã vượt qua với nhiều thử thách để đạt đến đích và tận mắt quan sát núi lửa Kliuchevskoy đang hoạt động thực sự rất ấn tượng.

Jonas Egor là một nhà thám hiểm núi lửa thực thụ. Trong bộ sưu tập ảnh núi lửa của anh có tất cả hình ảnh các ngọn núi lửa nổi tiếng trên thế giới mà anh đã ghé thăm. Một trong số đó là núi lửa Nyiragongo nổi tiếng ở Cộng hòa Congo thuộc châu Phi. Theo Jonas Egor, anh đã phải thuê cả một tiểu đội vũ trang của Congo đi theo bảo vệ trong suốt quá trình tác nghiệp tại đây.

Chia sẻ kinh nghiệm với những người có mong muốn thám hiểm núi lửa Kliuchevskoy trong tương lai, Jonas Egor lưu ý chuyến đi thám hiểm này rất vất vả và trong điều kiện băng giá, bão tuyết phức tạp nên những người tham gia bắt buộc phải chuẩn bị kỹ về thể lực, trang bị bảo hộ cá nhân. Anh nhấn mạnh, chỉ khi mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn sàng và đầy thủ thì hãy quyết định lên đường.

Nhà thám hiểm người Thụy Sĩ cho rằng, hiện tượng phun trào của núi lửa Kliuchevsky hoàn toàn không nguy hiểm, mặc dù rất khó để đoán định nó sẽ như thế nào và điều nguy hiểm tiềm ẩn nào có thể trở thành hiện thực.

Dải ngân hà bao trùm lên núi lửa Kliuchevskoy. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Theo anh, lịch sử những lần phun trào của núi lửa này và những khuyến cáo của các nhà nghiên cứu đã cho thấy nó tương đối an toàn đối với con người và thiên nhiên. Rất đông khách du lịch đã đến thăm và đều an toàn. Tuy nhiên, mọi người cần chú ý tuân thủ chỉ dẫn và khoảng cách an toàn với dung nham của núi lửa để tránh gây nguy hiểm cho bản thân mình.

Nhiếp ảnh gia người Nga Stanislav Stelmakhovich nhấn mạnh, Kliuchevskoy là ngọn núi lửa huyền thoại đối với người dân Nga, nó cao nhất và hoạt động phun trào tích cực nhất. Ba năm trước núi lửa này cũng đã xuất hiện đợt phun trào dung nham quy mô lớn như hiện nay.

“Kliuchevskoy là ngọn núi lửa huyền thoại đối với người dân Nga, nó cao nhất và hoạt động phun trào tích cực nhất,” Nhiếp ảnh gia Stelmakhovich chia sẻ.

“Điều thú vị trong chuyến đi này là tôi rất thèm ngủ, nhưng không muốn ngủ một phút nào để tận dụng mọi thời gian chụp ảnh núi lửa Kliuchevskoy. Lửa và ánh sáng tỏa ra từ núi lửa vào ban đêm thật kỳ diệu. Tôi muốn đi dạo vòng quanh nó cả đêm để chụp ảnh,” Stanislav chia sẻ.

Theo nhiếp ảnh gia người Nga, chụp ảnh núi lửa vào ban đêm lạnh giá là cả một thử thách lớn đối với người chụp ảnh và thiết bị. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo trước chuyến đi, sẵn sàng cho thời tiết băng giá -30 độ C, nhưng có nhiều tình huống ngoài dự tính, bao gồm cả sức chịu đựng của con người và máy móc khi nhiệt độ giảm xuống -40 độ C.

Stanislav khuyên mọi du khách đến thăm Kamchatka vào mùa đông cần chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ dùng thiết yếu cá nhân theo đề nghị của nhà tổ chức. Đặc biệt, quần áo phải đảm bảo đủ ấm và phù hợp với thời tiết.

Ánh sáng từ núi lửa phát ra chiếu sáng bầu trời đêm. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Đầu tháng 12/2020, núi lửa Kliuchevskoy trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông Liên bang Nga bước vào giai đoạn hoạt động tích cực và phun trào dung nham sau hơn một tháng hoạt động âm ỉ kể từ lúc “thức giấc.”

Một nhóm các nhà nghiên cứu về núi lửa, thám hiểm và phóng viên từ Moskva và vùng Viễn Đông đã lên đường đến thực địa để ghi lại những hình ảnh đầu tiên từ thực địa về đợt phun trào dung nham quy mô lớn của núi lửa Kliuchevskoy.

“Gã khổng lồ hiền lành”

Đó là biệt danh mà nhà nghiên cứu núi lửa Anton Khomchnovsky đặt cho núi lửa Kliuchevskoy khi trò chuyện với chúng tôi. Anton Khomchnovsky là cán bộ nghiên cứu khoa học công tác tại Viện núi lửa và địa chấn thuộc Viện Viễn Đông Viện Hàn Lâm khoa học Nga.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ nhỏ của Viện núi lửa và địa chấn dựng gần núi lửa Kliuchevskoy, Anton Khomchnovsky nói: “Núi lửa Kliuchevskoy là ngọn núi lửa cao nhất đang hoạt động ở lục địa Á-Âu, độ cao gần 4.800m so với mực nước biển. Đây là núi lửa trẻ với niên đại khoảng 7 nghìn năm tuổi và đang hoạt động tích cực nhất với mỗi chu kỳ phun trào dung nham cách nhau khoảng 1-2 năm. Mỗi chu kỳ hoạt động nó tạo ra khoảng 6 triệu tấn nham thạch trong một năm, chiếm một nửa nham thạch được tạo ra bởi các núi lửa còn đang hoạt động trên bán đảo Kamchatka.”

Núi lửa Klyuchevskoy nằm ở phía Đông bán đảo Kamchatka, cách trung tâm thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky khoảng 360km về phía Bắc. Klyuchevskoy là núi lửa một tầng điển hình với hình nón đều đặn.

Núi lửa Kliuchevskoy phun trào dung nham. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Miệng núi lửa Klyuchevskoy có đường kính khoảng 700m, liên tục hoạt động và thay đổi hình thái cả khi phun trào và trong thời gian nghỉ ngơi. Hoạt động phun trào của núi lửa Klyuchevskoy bao gồm các đợt phun trào đỉnh và phun trào bên cạnh sườn tạo thành khoảng 80 miệng nhỏ hình nón trên sườn núi lửa ở độ cao từ 500-4.000m.

Chuyên gia Anton Khomchnovsky giới thiệu cuốn sách của một trong những nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu địa lý nổi tiếng trong lịch sử Nga Stepan Petrovich Krasheninnikov (1711-1755). Trong cuốn sách miêu tả về vụ phun trào năm 1737 của núi lửa Kliuchevskoy, đây là vụ phun trào lần đầu tiên được nghi vào sử sách.

Cuốn sách viết: “Trận hỏa hoạn khủng khiếp này bắt đầu vào ngày 2 tháng 9 (năm 1737) và kéo dài trong một tuần, mức độ dữ dội của nó lớn đến nỗi những người dân đánh cá sống cách đó không xa đang chuẩn bị cho cái chết đang tới gần từng giờ, họ chờ đợi cái chết. Ngọn lửa thoát ra từ rãnh ở miệng núi, đôi khi lao xuống như một dòng sông lửa kèm theo một tiếng động khủng khiếp. Trong cơn phun trào, có tiếng sấm, âm thanh răng rắc và rung lên như ống gió thổi mạnh làm cho tất cả những nơi gần đó trở nên run rẩy. Cư dân địa phương có một nỗi sợ hãi đặc biệt vào ban đêm, vì trong bóng tối, mọi thứ được nghe thấy và nhìn thấy ngày càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, sự kết thúc của ngọn lửa phun trào lại là bình thường, tức là nó phun ra của vô số tro bụi, nhưng rơi xuống đất ngay gần đó, những đám mây bị cuốn xuống biển.”

Núi lửa Kliuchevskoy cách trung tâm thành phố hơn 250km về phía Bắc, là núi lửa cao nhất đang hoạt động ở châu Á và châu Âu. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Chuyên gia Anton Khomchnovsky đánh giá hoạt động của núi lửa Kliuchevskoy tương đối “dobryi” (cách người Nga gọi một đối tượng nào đó là hiền lành). Theo thời gian, ngọn núi lửa này trở thành điểm khám phá đối với du khách Nga ưa thích mạo hiểm.

Theo Anton, nhiệm vụ của các nhà khoa học là đưa ra các khuyến cáo, chỉ dẫn an toàn cho du khách khi thám hiểm núi lửa, đặc biệt là mỗi chu kỳ phun trào.

Chuyên gia Anton Khomchnovsky đánh giá hoạt động của núi lửa Kliuchevskoy tương đối “dobryi” (cách người Nga gọi một đối tượng nào đó là hiền lành).

Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu núi lửa và địa chấn thuộc Viện Viễn Đông Liên bang Nga, có thời điểm các dòng dung nham tuôn trào từ miệng núi lửa kéo dài đến 1,5km, khói bụi thoát từ miệng núi lửa tạo thành cột khói cao gần 7km so với mực nước biển và tạo thành vệt kéo dài gần 40km.

Hoạt động của núi lửa Kliuchevskoy đã tăng mạnh trong những ngày gần đây. Các đợt bùng nổ dung nham xuất hiện với tần suất lớn thường xuất hiện vào lúc rạng sáng, tạo ra tiếng nổ nhỏ và làm nham thạch bắn tung lên độ cao khoảng 100 m so vói miệng núi lửa. Đồng thời, các luồng sáng cực mạnh được quan sát thấy trên toàn bộ chiều dài của dòng dung nham, rung động địa chấn của núi lửa đã tăng mạnh so với thời điểm khi mới bắt đầu đợt hoạt động.

Núi lửa Kliuchevskoy hoạt động tích cực trong đêm. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, các chuyên gia của Viện núi lửa và địa chấn Viễn Đông của Liên bang Nga đã ghi nhận những tín hiệu đầu tiên của đợt hoạt động trở lại của núi lửa Kliuchevskoy. Tuy nhiên, sau đó hoạt động của núi lửa này lại tạm lắng hơn 1 tháng. Đến cuối tháng 11 vừa qua, các đợt phun trào dung nham của Klyuchevsky đã xuất hiện trở lại và tích cực hơn trong những ngày gần đây. Đợt hoạt động gần đây nhất của núi lửa Kliuchevskoy diễn ra từ tháng 11/2019 đến tháng 7/2020.

The post Mục sở thị núi lửa Kamchatka được mệnh danh là “gã khổng lồ lành tính” của Nga appeared first on Tạp chí Đẹp.


Phấn nụ huế
https://ift.tt/2xda5R4
0909443302
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
Phấn nụ
https://goo.gl/maps/ae9ShKRqG242

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét