Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

#OlympicParis2024 – Simone Biles, Kimberley Woods, Noah Lyles trải lòng về “bóng ma tâm lý” sau hào quang Olympic

Olympic là đỉnh cao mà bất kỳ vận động viên nào cũng khao khát chạm tới. Đó không chỉ là nơi sự nỗ lực của họ được công nhận, mà còn là sân chơi cọ xát với những đối thủ mạnh để hiểu rõ bản thân đang ở đâu trên chặng đường chinh phục vinh quang. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc mà chúng ta – những cổ động viên cuồng nhiệt của những trái tim đam mê thể thao – nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ. Đằng sau nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc khi nâng niu tấm huy chương trên tay, mấy ai biết được các vận động viên đã từng đấu tranh với “bóng ma tâm lý” vô hình. Ý chí kiên cường cùng tình yêu dành cho thể thao mãnh liệt đã tiếp thêm sức mạnh cho họ để hoàn thiện giấc mơ Olympic.

Simone Biles

Tại Olympic Tokyo 2020, siêu sao thể dục dụng cụ Simone Biles đã rút khỏi trận chung kết đồng đội nữ vì đối mặt với “twisties”. Đây là biểu hiện của sự gián đoạn đột ngột trong quá trình “giao tiếp” giữa cơ thể và não bộ, khiến vận động viên bị “lạc” trong không gian vô định, mất cảm giác về vị trí của cơ thể so với mặt đất. Lúc đó, tâm trí của Simone Biles chìm sâu vào lo lắng, khiến việc thực hiện những cú lật, xoay người vốn là thế mạnh trở nên khó khăn. Thậm chí, cô còn cảm thấy sợ việc tập thể dục dụng cụ suốt vài tháng. Chưa dừng ở đó, Simone Biles còn chịu nỗi đau lạm dụng tình dục từ cựu bác sĩ của đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ Larry Nassar. Sự việc khiến Simone phải tạm gác lại sự nghiệp trong 2 năm để ưu tiên chữa lành sức khỏe tinh thần. 

Trong “cuộc chiến” với bản thân, Simone Biles có sự đồng hành, giúp đỡ của huấn luyện viên và các đồng đội, được tạo động lực để trở lại phòng tập và tập luyện về cả tinh thần lẫn thể chất. Huyền thoại thể dục dụng cụ cho biết bản thân phải chăm sóc tâm trí nhiều như cơ thể và duy trì các buổi trị liệu hàng tuần trước Olympic Paris. Lần trở lại đầy vinh quang tại kỳ Thế vận hội này, Simone Biles đã chứng minh rằng thành công trong sự nghiệp có thể đạt được trong khi vẫn bảo vệ được sức khỏe tinh thần. Hơn hết, Simone Biles đã mang đến một thông điệp rằng: “Đừng ngại tìm sự giúp đỡ từ mọi người để vượt qua quãng thời gian khó khăn”.

Charlotte Worthington

Tương tự như Simone Biles, Charlotte Worthington cũng gặp tình trạng “twisties” khi tham gia thi đấu bộ môn xe đạp biểu diễn BMX. Sự việc khiến “huy chương vàng” Olympic Tokyo 2020 không duy trì được phong độ tại vòng loại Olympic 2024. Charlotte về đích ở vị trí thứ 11 trong số 12 tay đua, trượt khỏi top 9 vòng loại và vụt mất cơ hội tiến vào chung kết. Dẫu vậy, cô vẫn thấy biết ơn môn thể thao này đã làm cho cuộc sống của cô trở nên tuyệt vời hơn. “Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi chắc chắn sẽ không từ bỏ đạp xe BMX. Tôi sẽ tiếp tục đạp xe cho đến khi tôi không thể làm được nữa. 3 năm là nhà vô địch Olympic BMX tự do thực sự là một hành trình tuyệt vời”, Charlotte bày tỏ.

Trước đó, sau cú lộn ngược 360 độ đỉnh cao tại Olympic Tokyo 2020, Charlotte Worthington đã trải qua một thời gian đầy thăng trầm, đối mặt với lo âu, hoảng loạn. Khi đó, nữ vận động viên đã gặp gỡ các chuyên gia tâm lý thể thao, thực hiện EMDR – liệu pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt, giúp “làm dịu” những cảm xúc tiêu cực. Charlotte Worthington cũng đã bắt đầu hành trình khám phá bản thân và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa. Hơn nữa, cô cho biết sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì ở bản thân vì chính những thời điểm khó khăn này sẽ tô điểm thêm cho cuộc sống, tạo nên một “phiên bản” Charlotte Worthington trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Noah Lyles

Sau chiến thắng huy chương vàng lịch sử ở nội dung chạy 100m nam, Noah Lyles đã đăng tải một bài viết trên X chia sẻ về vấn đề sức khỏe của bản thân: “Tôi bị hen suyễn, dị ứng, mắc chứng khó đọc, chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD), lo âu và trầm cảm. Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng những điều này không nói lên bạn là ai”. Nam vận động viên điền kinh cũng từng hứng chịu những “trận đòn cảm xúc” ở môi trường học đường, chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần sau vụ sát hại người Mỹ gốc Phi George Floyd vì anh cũng là người da màu. Noah từng dùng thuốc chống trầm cảm, sau đó ngừng uống vài tháng trước khi tham dự Olympic Tokyo 2020. Với nhiều vấn đề sức khỏe, Noah Lyles đã bắt đầu quá trình trị liệu từ lúc 9 tuổi. Do đó, việc đối mặt với sức khỏe tinh thần không còn xa lạ đối với anh. Noah Lyles nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói ra cảm xúc của bản thân. Chiến thắng sát sao năm phần nghìn giây (0.005 giây) trước Kishane Thompson tại Olympic Paris năm nay như một minh chứng cho những nỗ lực vượt qua những chấn thương về thể xác lẫn tinh thần của Noah Lyles.  

Kimberley Woods

Kimberley Woods vừa thành công mang về huy chương vàng thứ ba cho đội tuyển Anh tại Olympic Paris ở hạng mục chèo thuyền. Cô thẳng thắn trải lòng về những cuộc “đấu tranh” dài hơi với sức khỏe tinh thần của mình. Nữ vận động viên từng tự làm hại bản thân, hai lần phải vào bệnh viện tâm thần và có ý định tự sát vào thời điểm tồi tệ nhất. Việc chấp nhận sự giúp đỡ của huấn luyện viên chèo thuyền Craig Morris chính là cánh cổng tìm đến sự bình an đối với Kimberly Woods. Đây là lúc cô nhận ra bản thân có thể giải tỏa được những khó khăn và sẵn sàng cho hành trình đến Olympic Paris 2024. Thay vì trốn chạy, cô đã đến phòng khám trị liệu để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. “Giải tỏa những căng thẳng là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi rất biết ơn hành trình này đã tạo nên một Kimberley Woods của ngày hôm nay. Và may mắn thay, tôi không còn tự làm hại bản thân nữa”, Kimberley Woods bày tỏ. 

Nyjah Huston

Nyjah Huston từng bị đứt dây chằng chéo trước (ACL), phải trải quá trình phẫu thuật và phục hồi chức năng. Với nam vận động viên, quá trình phục hồi chức năng là một bài kiểm tra về tinh thần cũng như thể chất, và đây là khoảng thời gian lâu nhất anh không đứng trên ván trượt. Điều này khiến Nyjah Huston không khỏi nghi ngờ liệu bản thân có cảm thấy đủ ổn định để tiếp tục trượt ván và cập nhật thêm những kỹ thuật mới nữa không. Trước áp lực của một vận động viên đứng trên đỉnh cao, Nyjah Huston cũng từng thừa nhận anh đã tự cô lập mình hoặc tìm đến rượu nếu phần thi không được như ý để giải tỏa cảm xúc. 

Dù đối mặt với nhiều thách thức về mặt tinh thần, song Nyjah Huston không ngừng nỗ lực chăm sóc bản thân để sớm trở lại với đam mê trượt ván. Nam vận động viên duy trì thói quen giãn cơ mỗi sáng, đi bộ đường dài, cùng chế độ ăn uống lành mạnh. Nyjah Huston kiểm soát căng thẳng bằng cách biến bản thân trở nên bận rộn và tận hưởng những khoảnh khắc giản đơn của cuộc sống. “Việc giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh đòi hỏi rất nhiều công sức. Tôi đã phải đến phòng vật lý trị liệu ít nhất 1-2 lần/tuần, ngay cả khi không bị thương để đảm bảo sức khỏe của mình luôn trong trạng thái ổn định nhất”, Nyjah Huston chia sẻ. 

Rayssa Leal

Là nữ vận động viên trượt ván, Rayssa Leal đã phải vượt qua những định kiến cho rằng bộ môn này chỉ dành cho nam giới. Nỗ lực theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ, Rayssa Leal trở thành vận động viên Brazil trẻ nhất từng tham gia Thế vận hội và bước lên bục vinh quang nhận huy chương bạc ở bộ môn trượt ván đường phố khi mới 13 tuổi tại Olympic Tokyo 2020. Thành công đến sớm, cô gái trẻ người Brazil đã bắt đầu gặp chuyên gia tâm lý thể thao từ hơn 1 năm trước, để gỡ bỏ những rào cản tâm lý đang nhen nhóm xuất hiện về nỗi sợ đường trượt, sợ các thử thách mới và sợ thể hiện phần thi không tốt. “Tôi vẫn còn rất trẻ và mọi thứ diễn ra dồn dập trong cuộc sống của tôi. Sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý rất cần thiết đối với tôi, giúp tôi lấy lại sự tự tin và mạnh mẽ hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần”, Rayssa Leal chia sẻ.

The post #OlympicParis2024 – Simone Biles, Kimberley Woods, Noah Lyles trải lòng về “bóng ma tâm lý” sau hào quang Olympic appeared first on Tạp chí Đẹp.


tham my diamond
https://ift.tt/71BR5Pa
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét