Kamala Harris được dự đoán trở thành người kế nhiệm của Đảng Dân chủ sau tuyên bố rút lui của ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bà là người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên lên làm Phó Tổng thống. Với sự ủng hộ của ông Biden hiện tại, bất chấp những rào cản vô hình, Harris có tiềm năng trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Kamala Devi Harris sinh năm 1964 tại California, Mỹ. Bố của bà là Donald J. Harris, giáo sư danh dự ngành Kinh tế tại Đại học Stanford. Ông là người nhập cư từ Jamaica. Trong khi đó, mẹ của Phó Tổng thống là Shyamala Gopalan, đã di cư đến Hoa Kỳ từ miền Nam Ấn Độ vào cuối những năm 1950. Bà Shyamala có bằng Tiến sĩ về Dinh dưỡng và Nội tiết tại Đại học California, Berkley và cũng là nhà nghiên cứu ung thư vú nổi tiếng. Cả hai đã gặp gỡ và quen nhau tại trường đại học khi cùng tham gia phong trào dân quyền.
Bà Harris chưa bao giờ để xuất thân nhập cư và màu da trở thành chướng ngại trong cuộc sống. Ngược lại, chính nguồn gốc và quá trình tiếp xúc với hai chủng tộc đã tạo nên một Kamala Harris mang nhiều bản sắc và tràn đầy khát vọng. Trong cuốn hồi ký “The Truths We Hold” xuất bản năm 2019, bà giải thích rằng tên Kamala có nghĩa là “hoa sen” trong tiếng Ấn, như để tôn vinh một biểu tượng văn hóa quan trọng của đất nước Nam Á. Bên cạnh đó, bà luôn được dạy để trân trọng cội nguồn của bản thân và di sản văn hóa da màu.
Trong hành trình trưởng thành, bà Harris coi mẹ mình là hình mẫu lý tưởng để noi theo và luôn ghi nhớ lời một điều: “Mẹ quyết tâm dạy tôi và em gái trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và đáng tự hào khi lớn lên”.
Sau khi bố mẹ ly hôn, bà chuyển đến Canada cùng mẹ và chỉ quay lại Mỹ sau khi học xong trung học. Harris lựa chọn theo học chuyên ngành Khoa học Chính trị và Kinh tế tại Đại học Howard, một trường học có lịch sử truyền thống dành cho người da màu ở Washington, DC. Harris đã viết trong hồi ký của mình rằng chính tại Howard giúp bà nhận thấy rõ cơ hội phát triển của những người da màu ở nước Mỹ. “Chúng ta có thể trở thành bất cứ ai vì còn trẻ, tài năng và là người da màu. Chúng ta không nên để bất cứ điều gì cản trở thành công của mình“. Suốt năm tháng là sinh viên, bà luôn dành cuối tuần để biểu tình phản đối chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi tại National Mall.
Sau khi tốt nghiệp trường Howard, Kamala Harris học thêm ngành luật tại trường Luật Hastings, Đại học California. Bà ấp ủ trở thành công tố viên vì muốn thay đổi hệ thống tư pháp để bảo vệ nhóm thiểu số trong xã hội. Năm 1990, bà gia nhập văn phòng công tố viên Quận Alameda ở Oakland với tư cách là trợ lý công tố viên quận, chuyên truy tố các vụ xâm hại trẻ em.
Con đường sự nghiệp của Kamala Harris từ công tố viên đến chính trị gia như hiện tại đã được ghi dấu bởi nhiều “lần đầu tiên” trong lịch sử nước Mỹ. Bà là người phụ nữ da màu đầu tiên gốc Ấn trở thành nghị sĩ Thượng viện và Tổng chưởng lý của bang California. Đặc biệt, cũng chưa từng có người phụ nữ nào “cầm trịch” chức Phó Tổng thống Mỹ ngoài bà. Có thể nói, Kamala Harris chính là người tiên phong phá bỏ các rào cản vô hình về sắc tộc và giới tính của nước Mỹ.
Nhắc đến bản sắc chính trị trong sự nghiệp của bà Harris chắc chắn phải nhắc đến những đóng góp của bà trong việc bác bỏ đạo luật cấm phá thai ở Mỹ. Phó Tổng thống đã lên tiếng về những hạn chế của đạo luật này và bảo vệ sức khỏe người mẹ, hay rộng hơn là “Đấu tranh vì quyền tự do sinh sản“. Bà gọi lệnh cấm phá thai hiện đang bao trùm miền Nam Hoa Kỳ là “một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe” và coi quyền bỏ thai là vấn đề tự do cá nhân.
Với tư cách là Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà đã tranh biện với thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để chỉ ra sự bất công bằng về giới, rằng “Liệu có bất kỳ luật nào yêu cầu một người đàn ông phải làm gì với cơ thể của mình, như luật cấm bỏ thai như đối với phụ nữ hay không?”. Gần đây, bà còn đến thăm một phòng khám cung cấp dịch vụ đình chỉ thai, đánh dấu lần đầu tiên có một Phó Tổng thống tại chức tham gia hoạt động như vậy. Mục đích là để thúc đẩy quyền được từ bỏ thai trở nên phổ biến hơn sau vụ kiện “Roe v. Wade” (một quyết định năm 1973 mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, trong đó Tòa án phán quyết rằng phụ nữ được chọn bỏ thai mà không bị chính phủ hạn chế quá đáng).
Bà Harris còn tham gia vào các chính sách luật lớn về cơ sở hạ tầng, nhập cư, kiểm soát súng hay thúc đẩy Quốc hội thông qua Đạo luật Tự do bỏ phiếu. Ngoài ra, quan điểm ngoại giao của bà cũng hướng tới Đông Á, khi có 4/17 chuyến thăm quốc tế của Harris là đến khu vực này. Phó Tổng thống đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc nước này có hành vi “chèn ép” và tìm cách thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn và bảo đảm.
Trong khi Tổng thống Biden lộ rõ những dấu hiệu của tuổi tác, cùng những màn tranh luận thiếu thuyết phục trong tháng 6 vừa qua, Kamala Harris lại nổi lên khi đồng hành cùng ông trên đường đua vận động tranh cử. Bà bắt đầu thu hút được nhiều đám đông tham gia và cũng được nhiều người ủng hộ hơn, đặc biệt là nhóm cử tri cốt lõi như phụ nữ nông thôn và đàn ông da màu.
Ngay sau khi thông báo rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Biden đã lập tức đề cử “phó tướng” của mình, “Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và công nhận hoàn toàn dành cho Kamala để bà trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ năm nay”. Cuối ngày 22/7 giờ Mỹ (sáng 23/7 giờ Việt Nam), Phó tổng thống Mỹ cũng tuyên bố đã giành được đủ sự ủng hộ để đại diện Đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống. Cụ thể, gần như toàn bộ 307 đại biểu của bang New York bỏ phiếu ủng hộ bà Harris trong một cuộc họp trực tuyến vừa qua. Harris cũng có sự đồng thuận của 2.668 đại biểu, vượt xa con số cần thiết là 1.976 để giành được đề cử trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, theo hãng tin Associated Press. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cần phải đợi đến cuộc bỏ phiếu điện tử chính thức của Đảng Dân chủ trong thời gian tới.
Ngay cả khi chưa chính thức trở thành ứng viên, bà Harris đã phá kỷ lục gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử. Chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi ông Joe Biden tuyên bố rút lui, Phó Tổng thống Mỹ đã thu về 81 triệu USD tiền đóng góp. Con số này vượt xa gần 53 triệu USD so với cựu Tổng thống Donald Trump. Theo Fox News, đây là “mức huy động lớn nhất trong 24 giờ của lịch sử tranh cử tổng thống”. Như vậy, nếu chiến thắng trong cuộc tranh cử, Kamala Harris sẽ tiếp tục phá vỡ rào cản lớn nhất với phụ nữ Mỹ trong lịch sử nền chính trị – đó là giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của đất nước.
The post Phó Tổng thống Kamala Harris – người phụ nữ làm nên kỳ tích trên chính trường Mỹ appeared first on Tạp chí Đẹp.
tham my diamond
https://ift.tt/KlZ3Qv9
https://thammydiamonduytin.tumblr.com
tham my diamond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét